Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng.

Ngày 14/6, tại tỉnh Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì thảo luận

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì thảo luận

Thách thức vượt qua chính mình trong giáo dục và đào tạo

Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2022-2023, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học của vùng đều gia tăng và đứng đầu cả nước. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 39,9% (cao hơn 14,5% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6% (cao hơn 6,2% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp học phổ thông lần lượt là 99,9% đối với cấp Tiểu học; 98,7% đối với cấp THCS và 92,9% đối với cấp THPT.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, phổ thông và xóa mù chữ được củng cố và nâng cao. Toàn vùng có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% các tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (trong đó có 9 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3); 88,3% tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. 4 địa phương đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành phổ cập trung học phổ thông cấp độ 3 đều thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.

Không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, Đồng bằng sông Hồng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và giáo dục năng khiếu. Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, 6/11 tỉnh trong vùng và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong tốp 10 địa phương, đơn vị có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và nhiều giải Nhất học sinh giỏi quốc gia nhất cả nước.

Năm 2022, toàn vùng có 18 học sinh đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế và Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc tế  (chiếm 54,5% tổng sô thí sinh đạt giải). Năm 2023 đây tiếp tục là vùng có số học sinh được lựa chọn tham gia các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế nhiều nhất cả nước.

Giáo dục đại học của vùng ngày càng khẳng định là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Toàn vùng hiện có 109 cơ sở giáo dục đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Số lượng sinh viên đại học đứng đầu cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sản phẩm nghiên cứu ứng dụng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Nhiều thuận lợi, nhiều kết quả nhưng giáo dục Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Sự phát triển nóng về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hoá, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển. Thiếu trường, thiếu lớp; thiếu giáo viên đang đặt ra cho Đồng bằng sông Hồng thách thức để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ.

Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu: Đến năm 2030, đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Tầm nhìn 2045, đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để triển khai thực hiện được các mục tiêu trên, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định cho giáo dục Đồng bằng sông Hồng là tập trung vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục đại học vùng Đồng bằng sông Hồng chia sẻ kết quả giáo dục đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; đưa đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Thời gian qua, Giáo dục và Đào tạo của vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội. 

Tuy nhiên, công tác Giáo dục và Đào tạo của vùng còn có nhiều vấn đề nổi cộm như: tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu kinh tế, chế xuất còn nhiều bất cập; căng thẳng trong chọn trường, chọn lớp, bệnh thành tích, áp lực thái quá trong học tập. 

Để phát triển lên một tầm vóc mới, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục cần có các giải pháp mang tính tổng thể, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục. Đẩy mạnh sắp xếp, quy hoạch hệ thống các trường phổ thông, mạng lưới trường đại học; chuẩn hóa theo hướng quốc tế. Phát huy ưu thế vùng, ưu thế của mỗi địa phương.