Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng thiết thực kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em (1989-2019) và chuẩn bị cho Hội nghị phát triển trẻ em khu vực Châu Á - Thái Bình dương năm 2019 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã phối hợp với UNICEF tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình trẻ em trong cả nước, đặc biệt với các nhóm dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, đã trực tiếp khảo sát tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Điện Biên để có tư liệu từ thực tiễn, nhìn nhận khách quan và đặt ra những vấn đề cùng phối hợp nghiên cứu trong thời gian tới. Do đó, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt không chỉ là hội nghị quốc gia bàn về chính sách phát triển toàn diện trẻ em Việt Nam mà còn bàn về trách nhiệm trong công tác trẻ em Việt Nam tham gia có trách nhiệm khi thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tại Việt Nam, cả nước đã thực hiện tốt tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em. Việt Nam đã phấn đấu đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, trong đó có những vấn đề liên quan đến trẻ em, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ như Công ước của Liên Hợp Quốc, đề cao vai trò của gia đình, trách nhiệm của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, có trách nhiệm của việc tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội nghị này cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế; cần bàn, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề tồn tại của trẻ em, bảo đảm nguyên tắc dành những gì tốt nhất cho trẻ em, hướng tới tương lai.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0-8 tuổi; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên; lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là các nội dung rất quan trọng trong tiêu chí phát triển bền vững của đất nước, trong quá trình thực hiện thắng lợi các cam kết và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, cũng góp phần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trình bày những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Hội nghị chính là sự cụ thể một nguyên tắc mới và tiến bộ được quy định trong Luật Trẻ em, đó là “bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) quốc gia, ngành và địa phương”, hướng đến phát triển toàn diện trẻ em Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để các quyền trẻ em được bảo đảm thực hiện, đáp ứng, các vấn đề trẻ em được giải quyết một cách tích cực và bền vững, trong năm 2020, năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trong giai đoạn 2021 – 2025 sắp tới, Việt Nam cần tập trung một số giải pháp cơ bản.
- Khẩn trương đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ sẽ có hướng dẫn đưa các chỉ tiêu về trẻ em thành chỉ tiêu bắt buộc trong các kế hoạch phát triển KTXH. Đặt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trọng tâm của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em, củng cố chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Các bộ, ngành cần bám sát tình hình thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý kịp thời các vấn đề về trẻ em phát sinh. Ngay trong tháng này Bộ LĐ-TBXH sẽ có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chú ý tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động các cơ sở trợ giúp xã hội có liên quan đến trẻ em để điều chỉnh phù hợp; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT để rà soát, điều chỉnh các cơ sở giáo dục dân tộc nội trú để bảo đảm trẻ em dân tộc thiểu số được phát triển công bằng với mọi trẻ em khác.
- Đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thực hiện quyền trẻ em theo hướng sáng tạo, sử dụng đồng thời nhiều kênh truyền thông, giáo dục. Thúc đẩy hoạt động của các mô hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em để thu thập ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và tham gia thực hiện các quyền của trẻ em ở các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và ở địa phương và cơ sở. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em. Tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng, nâng cấp cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các thiết chế vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.
- Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH sẽ phục vụ thực hiện tốt nhất việc giám sát chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đối với các bộ, ngành và địa phương; việc kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ đối với việc, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và hỗ trợ, can thiệp tốt nhất, kịp thời nhất cho đối tượng bị xâm hại. Bộ LĐ-TBXH đang nghiên cứu về các biện pháp xử lý nghiêm minh nhất để báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoàn thiện các bộ chỉ số đánh giá, giám sát về thực hiện quyền trẻ em; về chỉ tiêu nghèo đa chiều trẻ em nâng cao chất lượng thu thập thông tin, báo cáo về thực hiện Luật trẻ em và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers phát biểu chia sẻ tại Hội nghị
Chia sẻ tại Hội nghị, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em, đặc biệt là việc nội luật hóa các điều khoản và nguyên tắc của Công ước vào các bộ luật, chính sách và chương trình quốc gia. Qua 3 thập kỷ từ khi Công ước được phê chuẩn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào các nguyên tắc hướng dẫn của Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Các nguyên tắc hướng dẫn làm Công ước có sức mạnh lớn hơn tất cả những điều khoản đã quy định. Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam tin rằng, các nguyên tắc hướng dẫn sẽ bảo đảm giúp Việt Nam thực hiện đúng lời hứa với trẻ em trong 30 năm tới. Đồng thời, nhấn mạnh, Quốc hội đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, hối thúc, yêu cầu và giám sát khi luật pháp đã được ban hành; tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trong việc giám sát mức độ thực hiện quyền trẻ em và soi chiếu những nguyên tắc hướng dẫn của Công ước vào tất cả những đề xuất đề ra cho Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tại phiên thứ nhất với chủ đề Chính sách phát triển toàn diện trẻ em từ 0 – 8 tuổi, chính sách phát triển toàn diện đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển toàn diện trẻ em…
Tiếp đó, tại phiên thứ hai với chủ đề Triển khai chính sách thực hiện quyền trẻ em, các đại biểu đã thảo luận về: lồng ghép chỉ tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội – thực trạng và định hướng cho giai đoạn 2021 – 2030; phân bổ ngân sách thực hiện quyền trẻ em – thực trạng và định hướng; phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hai năm Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Công tác xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp với các quyền trẻ em đã được Chính phủ, các bộ, các ngành triển khai thực hiện trên các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin và tư pháp.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em để tương thích với quy định của Luật trẻ em là khâu quan trọng để hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề, vụ việc về trẻ em như bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Theo molisa.gov.vn