Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với việc làm bền vững

Hội nhập kinh tế hứa hẹn mang đến những cơ hội về thương mại, đầu tư tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm…tuy nhiên, những thách thức, đối với lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội là rất lớn. Làm thể nào để có nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh cao trong hội nhập? Làm sao để thành quả tăng trưởng có thể được phân phối một cách công bằng đến mọi người Việt Nam, nam giới, cũng như phụ nữ?

 

Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức để lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tổ chức. Tham dự Hội thảo có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Alfonso Tena Garcia cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các sứ quán và đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia giới...

 

 

Cần tăng tính bao phủ của hệ thống an sinh xã hội

Năm 2015, đánh dấu bước ngoặt trong việc Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một loạt các hiệp định thương mại tự do khác. Tiến trình hội nhập hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn về tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc đảm bảo rằng người dân Việt Nam, phụ nữ cũng như nam giới, được chia sẻ thịnh vượng và thụ hưởng công bằng các thành quả của tăng trưởng.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ lao động nữ duy trì ở mức cao chiếm 48,3% trong tổng số lực lượng lao động của cả nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%. Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản qui phạm pháp luật được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Từ năm 2010 đến nay đã có 40 đạo luật được lồng ghép giới và hàng loạt các văn bản dưới luật được xem xét lồng ghép giới, đồng thời việc xây dựng và thông qua. Thực hiện các chương trình, chính sách dự án về bình đẳng giới hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia vẫn  được coi là giải pháp hiện hữu nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Năm 2015, chương trình mới về nâng cao quyền năng cho phụ nữ phải kể đến là Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 -2020. Đặc biệt, trong chương trình này, lần đầu tiên Việt Nam có “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm.

 

                            Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo

Hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với những cú sốc, những biến động từ kinh tế thế giới. Những biến động kinh tế này sẽ nhanh chóng tác động tới việc làm và thu nhập của người lao động. Lao động phổ thông, lao động thu nhập thấp, lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động khắc nghiệt nhất từ những biến động này. Khả năng ứng phó của họ cũng là thấp hơn, do tiếp cận đến mạng lưới an sinh xã hội yếu hơn. Để giúp đỡ hiệu quả nhóm này, không có cách nào khác phải có hệ thống an sinh xã hội tổ chức tốt, bao trùm được những nhóm yếu thế, khu vực phi chính thức.

Nỗi lo khu vực phi chính thức

Hội nhập đang và sẽ tạo ra những luồng di chuyển lao động liên quốc gia sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh về lao động, sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động và di cư nhiều hơn. Điều này sẽ có những tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và chuyển dịch lao động. Hội nhập đã và đang khiến lợi thế lao động giá rẻ suy giảm, tăng áp lực cạnh tranh lao động xuyên quốc gia.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng : “Bình đẳng giới và vấn đề lao động phi chính thức đang là một thách thức rất lớn với kinh tế”. PGS TS. Vũ Sỹ Cường đã nêu lên các thách thức vĩ mô đối với lao động và việc làm. Trong đó, lao động khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức đang có tỷ lệ cao trong cơ cấu nền kinh tế và 7 năm nay tỷ lệ đóng góp của khu vực này trong GDP vẫn quanh mức 33%.

“Vai trò của khu vực kinh tế cá thể, kinh tế phi chính thức là rất quan trọng. Tuy nhiên, lợi ích của chính thức hóa, đặc biệt là thúc đẩy việc làm bền vững là lớn lao và xu thế bắt buộc trong hội nhập. Chính thức hóa khu vực kinh doanh phi chính thức – đó là giải pháp, đó là việc cần làm”- PGS. TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

 

 

Tuy nhiên theo PGS.TS Cường, việc chính thức hóa kinh doanh thúc đẩy người lao động, từ lao động phi chính thức thành chính thức cần có sự hỗ trợ và thúc đẩy từ phía Nhà nước. Từ góc độ chính sách về thị trường lao động, cần hướng tới sự cân bằng giữa pháp luật bảo vệ người lao động và bảo vệ việc làm, theo đó vừa bảo vệ được quyền lợi người lao động, nhưng đồng thời giảm các gánh nặng, chi phí tuân thủ thủ tục, nhằm khuyến khích chủ sử dụng lao động chủ động chuyển đổi. Các cam kết trong Hiệp định TPP, các hiệp định thương mại mới sẽ đòi hỏi nâng cao các tiêu chuẩn lao động; bảo vệ lao động; cam kết thực thi nghiêm túc trên thực tiễn. Điều chỉnh hệ thống luật lao động, do đó tiếp tục là yêu cầu trực tiếp, cần có ưu tiên cao.

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, các chương trình đào tạo  nghề chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động. Khu vực phi chính thức, trong đó hộ cá thể; kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực chính thức, tiếp cận hạn chế các chương trình đào tạo nghề. Tiếp cận của nhóm phụ nữ, dân tộc thiểu số khó khăn hơn các nhóm khác. Tăng tính thị trường của hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề, tăng tính cạnh tranh, cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình nghề đang được tài trợ bởi ngân sách là một giải pháp cần được xem xét và cân nhắc.

Tại đây, các đại biểu cũng đã thảo luận và phân tích các vấn đề chính sách quan trọng bao gồm: Đánh giá lại những kết quả Việt Nam đạt được trong xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật về việc làm bền vững và bình đẳng giới; xác định những thách thức của việc thực thi các quy định này trong thực tiễn; đóng góp vào hệ thống pháp luật về lao động để có tính nhạy cảm giới cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của TPP và các hiệp định thương mại. Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp chính sách nhằm mở rộng khu vực kinh tế chính thức của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bao trùm và tạo việc làm bền vững cũng như  tăng cường cơ hội  tiếp cận việc làm và giảm khoảng cách thu nhập giữa lao động nam và nữ. 

 

Dự án “Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam” là sáng kiến hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH (MOLISA) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) thực hiện từ năm 2012 đến 2016.

Dự án nhằm mục tiêu lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững trong xây dựng và thực thi luật pháp và chính sách về lao động và xã hội góp phần thực hiện các ưu tiên chiến lược trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Các kết quả chính dự án đã đạt được bao gồm:

1. Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững thông qua việc rà soát, nghiên cứu và thực thi các chương trình và chiến lược quốc gia trong lĩnh vực lao động và xã hội. Dự án đóng góp tích cực và hiệu quả đối với việc lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (2014) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) thông qua các nghiên cứu, đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn các bên liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản này. Dự án cũng thực hiện một số mô hình thí điểm áp dụng nguyên tắc việc làm bền vững và bình đẳng giới trong thực hiện chính sách trong lĩnh vực lao động, dạy nghề để rút ra các bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc hoàn thiện chính sách.

2. Dự án góp phần tăng cường năng lực lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững cho các cơ quan, ban ngành và các tổ chức liên quan trong lĩnh vực lao động, việc làm và đào tạo nghề. Trên 1.400 lượt cán bộ của các cơ quan nhà nước; 1.000 lượt giảng viên, sinh viên, và các đối tượng khác đã được tư vấn, đào tạo, nâng cao năng lực và tiếp cận với tài liệu kỹ thuật/nghiên cứu/sổ tay hướng dẫn do dự án thực hiện.

3. Dự án cũng đã xây dựng và phổ biến các tài liệu, hướng dẫn phổ biến pháp luật, các sản phẩm truyền thông hướng đến công chúng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi các thực hành về bình đẳng giới và việc làm bền vững cho công chúng.

4. Dự án đã đóng góp vào việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực lao động và xã hội; hỗ trợ các sáng kiến của khu vực ASEAN bằng cách tổ chức một số cuộc đối thoại xã hội, hội thảo chuyên đề và hội thảo đào tạo cho cơ quan chính phủ và đối tác xã hội; biên dịch các tài liệu kỹ thuật và xây dựng các văn bản, chương trình hành động trong lĩnh vực bình đẳng giới và lao động, việc làm.