Cần đột phá chính sách…
Hiện nay, hệ thống chính sách Nông nghiệp hợp đồng xuyên biên giới (HĐXBG) còn khá hạn chế, thiếu những hướng dẫn về các hình thức hợp đồng. Sự phát triển của các loại hình hợp đồng nông sản xuyên biên giới của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bước đầu. Ký kết các HĐXBG sẽ giúp nông dân tránh được thiệt hại, đỡ phải bán sản phẩm chỉ biết dựa vào thương lái, dẫn đến bị ép giá. TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cho rằng: “Khúc mắc trong HĐXBG nằm ở chỗ Việt Nam không dám chấp nhận thương lái Trung Quốc !”.
Có thực tế là, muốn thúc đẩy HĐXBG thì phải đồng nhất thể chế để quản lý và kiểm soát được. Muốn phát triển HĐXBG phải làm việc với DN Trung Quốc.
Tại Việt Nam, nông nghiệp HĐXBG được hiểu là cam kết giữa DN nước ngoài với nông dân Việt Nam về một trong 4 nội dung chính: Hợp đồng phi chính thức và thương mại tiểu ngạch, hợp đồng gia công, hợp đồng PPP (hợp tác công tư) và hợp đồng trên cánh đồng mẫu lớn. Mỗi loại có tính chất và đặc thù khác nhau, chẳng hạn hợp đồng phi chính thức và thương mại tiểu ngạch có đặc điểm là thủ tục hợp đồng nhanh gọn, linh hoạt nhưng tính rủi ro phá vỡ hợp đồng cao. Khi rủi ro xảy ra thì nông dân là người chịu thiệt thòi.
Xuất khẩu cà phê Ảnh MD.
Hình ảnh nông sản ùn tắc tại cửa khẩu biên giới diễn ra thời gian qua, gây thiệt hại cho DN, nông dân kêu trời khiến cho câu hỏi HĐXBG sao mãi vẫn ì ạch, chưa có sự triển khai hợp lý, giúp DN và người dân tháo gỡ khó khăn, tránh thiệt hại về kinh tế.
Xảy ra các tình trạng ách tắc nông sản này, nguyên nhân chính là do nông dân Việt Nam thường xuất bán với thương lái nước ngoài qua biên giới chủ yếu theo thỏa thuận bằng miệng, không có sự ràng buộc pháp lý nào. HĐXBG chính là giải pháp, để mở ra lối thoát phần nào tháo gỡ khó khăn về thị trường cho nông dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển hợp đồng nông nghiệp xuyên biên giới thành công cần nhiều giải pháp đồng bộ, có sự đột phá về chính sách, trong đó cần điều chỉnh quy hoạch cân đối cung cầu. Chú trọng nghiên cứu thị trường với bộ phận nghiên cứu chuyên biệt như thông tin thị trường chính, đối thủ cạnh tranh...
Hiện nay lĩnh vực nông nghiệp chưa có tham tán, cần xây dựng nguồn nhân lực này. Về đất đai, cần có chính sách khuyến khích DN nước ngoài đầu tư vào khoa học công nghệ được tiếp cận đất đai; quy hoạch mục đích sử dụng đất đai linh hoạt hơn, hướng tới nâng cao hiệu quả sử dụng đất, theo tín hiệu của thị trường, đảm bảo lợi nhuận cao cho người nông dân.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Bộ Công Thương, không thể để nông dân tự nuôi trồng tự phát như hiện nay, còn lái thương cứ thế thu gom, sẽ không đủ đảm bảo quy chuẩn chất lượng sản phẩm, bị trả lại, cả DN lẫn nông dân thiệt hại trăm bề. Đã đến lúc cần tổ chức cho nông dân sản xuất, để họ kết hợp với nhau thành lực lượng lớn mới có thể tạo nên nguồn nguyên liệu lớn, có chất lượng an toàn thực phẩm cao nhất, thu hoạch đúng theo thời điểm hợp đồng.
Về HĐXBG sao cho hiệu quả, ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết: “Hiện nay hầu hết cơ chế thực thi hợp đồng khá yếu. Xác suất của việc phá bỏ hợp đồng giữa nông dân và DN tại thời điểm thu hoạch khi giá sản phẩm biến động cao.
Cùng với đó, khi hợp đồng bị DN chủ động phá vỡ, ví như DN đã đăng ký bao tiêu sản phẩm cho nông dân với mức giá nhất định nhưng lại không đảm bảo thì hệ thống pháp luật hiện tại thiếu chế tài để xử lý. Sự phát triển của các loại hình nông nghiệp HĐXBG của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bước đầu và hệ thống chính sách của các loại hình HĐXBG còn khá hạn chế. Bởi vậy, việc triển khai các hình thức HĐXBG đang tồn tại nhiều vướng mắc”.
Xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Quang Giám, Trưởng bộ môn Kế toán quản trị và Kiểm toán (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng chia sẻ: Kinh nghiệm tại nhiều địa phương cho thấy, một trong những lý do triển khai HĐXBG thất bại là bởi các quy định của hợp đồng chưa rõ ràng và tổ chức nông dân không mạnh.
Nông dân không có tư cách pháp nhân nên khi ký hợp đồng với DN phải thông qua đại diện chính quyền hoặc hợp tác xã. Do đó, khi DN hay nông dân phá vỡ hợp đồng thì đều khó giải quyết.
“Muốn đạt được điều này, thay vì cách làm không thực sự tham gia, để mặc nông dân như hiện nay, chính quyền địa phương phải “xắn tay” vào, đóng vai trò mấu chốt điều tiết mối quan hệ giữa DN và nông dân, có khả năng can thiệp hợp đồng”- Ông Đặng Kim Khôi nhấn mạnh.