Nhu cầu nhân lực tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực, Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, tương đương với 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC. “Dự báo của ILO cho thấy, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự có tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%; nhu cầu với lao động (LĐ) có trình độ kỹ năng thấp tăng khoảng 23%, LĐ có kỹ năng cao tăng 13%. Như vậy, quá trình tham gia AEC sẽ mang lại cơ hội việc làm, cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người”, ông Thảo cho biết thêm.
Bên cạnh việc gia nhập AEC, Việt Nam cũng đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, ở mức cam kết cao như TPP, việc hoàn thành ký kết và tham gia của Việt Nam cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho thị trường LĐ trong nhiều lĩnh vực. Theo dự báo của ông William Smith (chuyên gia nghiên cứu về LĐ thuộc Viện Phát triển hải ngoại của Anh), nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là trong các ngành điện tử và dệt may, bởi đây là những ngành sẽ được hưởng những lợi ích lớn ngay sau khi Việt Nam ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định TPP, cũng như từ một loạt các xu thế chuyển dịch đầu tư tới đây.
“Có thể thấy, nhu cầu LĐ tại Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ một số yếu tố lớn, theo đó, sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đó là xu hướng nhiều Cty đa quốc gia rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và một phần trong số đó dự báo có nhu cầu chuyển dịch vào Việt Nam. Thêm nữa, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ chảy mạnh vào Việt Nam để nắm bắt cơ hội từ Hiệp định TPP. Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường LĐ Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn, với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người LĐ”, ông William phân tích.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội lớn, các chuyên gia cho rằng, quá trình hội nhập thị trường LĐ khu vực cũng sẽ khiến thị trường LĐ Việt Nam đứng trước thách thức lớn, nếu cơ cấu LĐ không có sự chuyển dịch theo hướng giảm bớt LĐ chất lượng thấp và hướng tới nâng cao số LĐ lành nghề, có kỹ năng và kỷ luật tốt, có khả năng tạo ra năng suất LĐ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Lao động Việt chưa sẵn sàng di chuyển nội khối
Việc gia nhập AEC và các tổ chức thế giới khác sẽ cho phép LĐ Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu trên cơ sở tăng năng suất và kỹ năng. Tuy nhiên, các lợi ích về kinh tế và việc làm từ AEC sẽ không được phân chia đồng đều. Nếu quản lý không tốt, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội mà AEC tạo ra. Do đó, TS Kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị: “Về phía các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng LĐ trong nước, một khi thị trường LĐ mở rộng hơn, mang tính cạnh tranh hơn, nếu không xây dựng được chiến lược nhân sự bài bản, có chính sách trọng dụng nhân tài, các doanh nghiệp Việt sẽ khó giữ chân nhân sự giỏi, trong khi đây lại đang là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước”.
Các chuyên gia cũng phân tích, về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, đứng gần áp chót, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB). Điều đáng báo động nữa là cơ cấu trình độ nhân lực của Việt Nam cũng rất bất cập, phát triển theo hình tháp ngược, không theo quy luật cung cầu của thị trường LĐ. Trong đó, trình độ trung cấp, sơ cấp phải hơn nhiều lần so với LĐ gián tiếp là đại học. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo thấp, chất lượng đầu ra kém là nguyên nhân tất yếu dẫn đến năng suất LĐ Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN và châu Á- Thái Bình Dương. Cụ thể, chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so Malaysia, 2/5 so Thái Lan và so với các nước phát triển thì khoảng cách còn lớn hơn cả chục lần.
Qua khảo sát thực tế, các chuyên gia WB và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cảnh báo việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, tâm lý của LĐ Việt Nam để sẵn sàng di chuyển sang làm việc ở các nước ASEAN chưa cao. Rào cản lớn nhất phải tháo gỡ chính là ngoại ngữ tiếng Anh. “Xét về khả năng sử dụng tiếng Anh thì các thí sinh Việt Nam có điểm trung bình thuộc nhóm thấp nhất: 5,78 (tính theo thang điểm từ 0 đến 9) và đứng sau Malaysia, Philippines, Indonesia. Nhìn vào bức tranh nguồn nhân lực như vừa nêu, chúng ta không thể không lo lắng cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam khi bước vào sân chơi đầy thử thách này”, ông Lê Đăng Doanh bày tỏ. Do vậy, để phát triển nhân lực, trong thời gian tới, cần phải có những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập được với các nước trong khu vực.
AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng LĐ. Ba quốc gia có số LĐ chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng LĐ này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của các nước thành viên AEC. |