Cũng vì nghĩa cử này, anh trở thành người đầu tiên và duy nhất phá bỏ được một hủ tục hết sức man rợ - tục chôn sống trẻ con theo mẹ, đem đến cho nhiều trẻ nhỏ Ma Coong nơi đây sự hồi sinh thành người.
Quặn lòng một tập tục
Trên địa bàn xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), 18 thôn bản hiện có đều là nơi cư trú thuần nhất của người Ma Coong. Người Ma Coong ở đây chỉ có 2 họ, con trai thì lấy họ Đinh còn con gái thì lấy họ Y. Vì sống ở nơi hiu quạnh, vùng khí hậu khắc nghiệt, cheo leo nơi biên giới 2 nước Việt - Lào, nên trong cuộc sống đồng bào Ma Coong phát sinh nhiều hủ tục. Ngoài các hủ tục như ở Sụ, hút thuốc… thì có một hủ tục đến nay nếu được nghe kể lại ai nấy đều kinh hãi, đó là hủ tục chôn sống trẻ theo mẹ.
Nhờ nghĩa cử của anh Diệu mà nhiều đứa trẻ Ma Coong ở Thượng Trạch đã có cơ hội làm người.
Hủ tục này được thực thi khi một người phụ nữ xấu số nào đó từ giã cõi đời, nếu con họ sinh ra chưa đầy 3 tháng tuổi thì phải chôn sống cùng mẹ. Lệ tục là lệ tục, bất biết có một sự can thiệp nào, bất biết gia đình người ta có đồng ý hay không thì đứa trẻ đó bắt buộc phải chung với số phận với người mẹ. Tôi đã gặp nhiều thầy giáo đã từng lên đây dạy học, nhiều cán bộ cắm bản thuở xưa để tìm hiểu lệ tục trên. Họ vẫn còn “xanh mặt” khi kể chuyện này. Có người bảo, cả đời họ, chiến tranh, đói khổ, dịch bệnh có thể quên nhưng họ không thể quên được tiếng đau xé lòng của những đứa trẻ vọng lên khi bị những xẻng đất, những nhát cuốc nơi mộ huyệt vùi lấp.
Đứng trước hủ tục này nhiều người muốn can thiệp để cứu lấy những đứa trẻ lắm! Nhưng hủ tục này lúc đó bền vững quá. Nó ăn sâu vào tâm não người Ma Coong, nó đã được lưu truyền từ ngày xa xưa của người Ma Coong rồi. Nếu không làm vậy là trái với ý nguyện tổ tiên, sẽ bị tổ tiên người Ma Coong loại trừ khỏi cộng đồng, đồng nghĩa như vậy là hiểm họa sẽ đến với toàn bộ xóm làng người Ma Coong.
Lý giải về sự phát sinh của tập tục này có nhiều giả thiết. Theo ông Đinh Hợp, một người Ma Coong chính gốc, hiện đang làm Chủ tịch xã, thì ngày xưa người Ma Coong chôn trẻ theo mẹ là do cuộc sống khó khăn quá. Đứa trẻ Ma Coong sinh ra, lớn lên chỉ nhờ nguồn sữa từ cơ thể người mẹ. Đường, sữa, bột lúc đó không có, người ta cũng chưa biết nuôi bộ trẻ nhỏ, trước sau gì thì đứa bé ấy cũng sẽ chết do đói ăn. Đằng nào cũng là một lần đau, tốt nhất là chôn nó theo để cho “mẹ con có nhau”.
Vẫn theo ông Đinh Hợp, thêm một giả thuyết nữa để lý giải cho tập tục, trẻ Ma Coong từ khi sinh ra, sau 3 tháng, nghĩa là lúc nó biết “ăn cơm của người lớn” thì lúc này gia đình và dòng tộc mới tiến hành đặt tên cho trẻ, lúc này trẻ mới là cá nhân riêng biệt, mới được coi “là người”. Còn từ 3 tháng tuổi đổ lại, trẻ chưa có tên, nghĩa là nó vẫn là “của trời của đất”. Vì là “của trời của đất” nên khi mẹ nó mất đi sẽ “rất nhớ”, vì nhớ nên “hồn ma” của mẹ nó sẽ theo thằng bé, ám ảnh và đem họa đến cho xóm làng.
Vì tập tục này, những năm trước, đã có rất nhiều những đứa trẻ bị chôn sống. Đi khắp 18 thôn bản của người Ma Coong ngày nay, người ta không thể thống kê được có bao nhiêu rừng mộ như vậy. Và càng không thể thống kê được những ngôi mộ có những đứa trẻ bị chôn theo hủ tục trên. Đau xót và thảm thương vô cùng.
Người hồi sinh cho trẻ
Giữa những năm âm u của hủ tục, giữa nỗi đau gào thét của đại ngàn, anh Nguyễn Xuân Diệu đã có mặt. Anh Diệu sinh năm 1962, anh quê gốc tại thôn Vĩ Dạ (nay là phường Vĩ Dạ), Hưng Phú (Thừa Thiên- Huế). Do quê nhà đói kém, năm 1990, theo cánh bạn, anh Diệu đã tìm lên mảnh đất có người Ma Coong này để kiếm sống tại khu vực Đồn Biên phòng 593. Để xóa bỏ hủ tục trên, nhiều đêm anh mất ngủ nghĩ cách. Nhưng như đã nói ở trên, việc thức tỉnh suy nghĩ với người dân Ma Coong lúc này thật khó. Ngay người Ma Coong của họ thôi, ai có ý định này đã bị thôn bản, bà con loại trừ khỏi cuộc sống chứ nói chi đến anh, một người Kinh ở mạn dưới đi lên.
Vợ chồng anh Diệu cùng đứa con nuôi và thiếu tá Hoàng Minh Đức, cán bộ biên phòng cắm bản.
Để có tiếng nói, để có ý định, chỉ còn cách duy nhất là anh phải trở thành người Ma Coong. Rỗi lúc nào là anh tìm đến những thôn bản có người Ma Coong để chuyện trò học tiếng. Trong thời gian đi lại ở bản Cà Ròong 1, anh có quen và để ý đến một thân phận, đấy là cô Y Nhoong. Y Nhoong vốn là cô gái thùy mị, nết na nhất bản Cà Roòng 1, nhưng đường tình duyên lại trắc trở. Cô lấy chồng, sinh được 2 con, nhưng do chồng rượu chè quá nên tình duyên đứt gánh. Cô ở vậy nuôi con. Cám cảnh với thân phận cô, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Diệu lúc có việc tạt qua thường đến động viên và giúp đỡ. Hai người coi nhau như anh em.
Ơn nghĩa nhất của người phụ nữ Ma Coong này với anh Diệu ấy là năm 1987. Do lăn lộn ở miền sơn thẳm, như bất cứ người Kinh nào lên đây anh cũng bị sốt rét. Mùa hè năm ấy, cơn sốt rét ác tính đã đến cùng anh. Anh được đưa đến trạm xá của đồn biên phòng, nhưng do cơ thể suy nhược nên các y tá ở đây đã bó tay, anh cầm chắc cái chết. Tin dữ của anh theo gót chân trần của người Ma Coong đã về đến bản. Nghe tin, không nề hà Y Nhoong đã cùng cha đẻ tất tưởi tìm lên. Bằng những bó lá thuốc cổ truyền lấy từ sơn thẳm cùng sự chăm sóc của Y Nhoong và cha cô, lạ thay anh đã hồi tỉnh.
Nhờ sự cứu mạng này, để trả ơn anh đã nhận ông Đinh Keo làm bố nuôi và quyết định lấy Y Nhoong làm vợ. Lấy Y Nhoong anh vừa trả được ơn, vừa có điều kiện giúp cô, vừa trở thành người Ma Coong để tuyên chiến với hủ tục chôn sống trẻ. Sau khi lấy Y Nhoong, 7 năm sau, ấy là năm 1994, trong bản Cà Roòng 1 có đứa trẻ xấu số, là con của Y Soang, một người đàn bà điên trong xã. Do bệnh tật, vệ sinh và ăn ở kém nên Y Soang đã chết ngay sau khi đứa con chào đời. Theo lệ tục, đứa trẻ này sẽ bị chôn sống cùng mẹ. Không nề hà, anh Diệu đã cùng vợ tìm đến. Anh lên tiếng can thiệp và đã gặp ngay sự phản ứng quyết liệt của dân bản. Không chịu bó tay, sau một ngày trời thương thuyết, anh đã được người Ma Coong ở Cà Roòng 1 cho nhận làm con nuôi cùng một “cam kết” đi cùng: Anh sẽ phải chịu phạt vạ, chịu mọi hiện vật để cúng Giàng nếu như có điều xấu xảy ra hay để cho đứa trẻ chết.
Đứa trẻ con Y Soang sinh thiếu tháng, trông như một con khỉ con. Nhận về anh cũng hết sức lo lắng. Nghe tin anh là người đầu tiên thương thuyết được và cứu đứa trẻ không bị chôn sống cùng mẹ nên chỉ huy Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn đã cử người xuống hỗ trợ. Sữa, đường theo chế độ ốm đau của lính đồn đã được anh em nhất trí dồn lại gùi xuống để anh nuôi đứa trẻ. Sau 3 tháng, bằng nguồn sữa, đường của lính biên phòng, bằng sự tận tâm chăm sóc của Vợ chồng anh, bằng những thìa nước cơm được chắt ra trong mỗi bữa, thằng bé đã kháu khỉnh, đã qua được những nguy kiệt suy dinh dưỡng ban đầu. Lễ đặt tên được anh và người Vợ Y Nhoong tổ chức, có rượu mời khắp dân bản. Người Ma Coong rầm rập kéo đến, uống rượu để chứng kiến một đứa trẻ được coi là “con của ma” lần đầu tiên thành người mà xóm làng không gặp tai họa gì. Đứa trẻ sống được là nhờ đường, sữa của lính biên phòng, ơn nghĩa nên anh Diệu và Vợ Y Nhoong đã quyết định đặt tên cháu là Đường - Nguyễn Xuân Đường. Đường là thằng bé người Ma Coong đầu tiên có họ người Kinh ở đất này, hiện em đang học lớp 12 và năm nào cũng đạt học sinh chuyên cần.
Từ ngày anh Diệu nhận bé Đường làm con đến nay, bất cứ một phụ nữ xấu số nào có con nhỏ thì đứa bé không còn bị chôn sống nữa. Nếu ai có ý định thì người ta lại lấy anh Diệu và bé Đường ra làm gương để thuyết phục. Năm tháng trôi xuôi, bằng hành động cao cả của anh Diệu mà gần 20 năm nay hủ tục này đã bị người dân quên dần. Đồng nghĩa như vậy đã có cả vài chục đứa trẻ người Ma Coong trong 18 thôn bản được hồi sinh.