Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH); bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), Đại diện về quyền của phụ nữ Việt Nam tại ACWC; ông Victor Karunman, Tư vấn khu vực cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phụ nữ và trẻ em trong nước và quốc tế.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và hoạt động của ACWC
Được thành lập từ năm 2010, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) đã tích cực hoạt động, hoàn thành đa số các mục tiêu, ưu tiên được đề ra trong Kế hoạch công tác của Ủy ban, góp phần thúc đẩy các quyền, phúc lợi, sự phát triển và tham gia của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN.
Được thành lập từ năm 2010, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) đã tích cực hoạt động, hoàn thành đa số các mục tiêu, ưu tiên được đề ra trong Kế hoạch công tác của Ủy ban, góp phần thúc đẩy các quyền, phúc lợi, sự phát triển và tham gia của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN.
Giai đoạn 2016-2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch công tác của ACWC với hơn 50% các hoạt động, dự án đã hoàn thành hoặc đang được triển khai.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Trong 9 năm qua, Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và hoạt động của ACWC như đảm nhiệm vai trò Chủ tịch lâm thời của Ủy ban giai đoạn 2010-2011, Phó Chủ tịch Ủy ban giai đoạn 2016-2017; đưa ra nhiều sáng kiến, hoạt động trong việc thúc đẩy thực hiện những vấn đề liên quan đến các Công ước như vấn đề về quyền có quốc tịch, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực trong trường học, trên môi trường mạng và xâm hại tình dục.
Việt Nam đạt được những kết quả và dấu ấn ở cấp khu vực như vậy là nhờ sự nỗ lực và kết nối ở cấp quốc gia. Sự ra đời của Mạng lưới ACWC Việt Nam từ năm 2011 với các cuộc họp, tham vấn đều đặn hàng năm ở các miền đã kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong thực hiện, thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em. Nhờ đó, rất nhiều sáng kiến và ưu tiên quốc gia đã được các thành viên Việt Nam lồng ghép, kết hợp khi tham gia các hoạt động, dự án chung của khu vực; các thành viên của Mạng lưới ACWC quốc gia cũng đã có những cơ hội tham gia vào các hoạt động, dự án có liên quan ở cấp khu vực.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH); bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), Đại diện về quyền của phụ nữ Việt Nam tại ACWC chủ trì Hội thảo.
Những kết quả nổi bật của ACWC giai đoạn 2012-2016
Sau bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), Đại diện về quyền phụ nữ của Việt Nam tại ACWC đã có báo cáo về các hoạt động của ACWC thời gian qua. Theo đó, ACWC đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Ra Tuyên bố ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN; Xuất bản các điển hình tốt của ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Thực hiện Chiến dịch ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ thông các các hoạt động kỷ niệm nhân ngày quốc tế VAW; Thúc đẩy thực hiện quyền có quốc tịch cho phụ nữ và trẻ em nhằm hỗ trợ thực hiện các khuyến nghị của CEDAW và CRC; Xây dựng mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em cấp khu vực và quốc gia; Liên kết với Ủy ban CEDAW, Ủy ban CRC, các cơ chế quyền con người, quyền phụ nữ và trẻ em của các khu vực; Hướng dẫn về phương pháp tiếp cận không bạo lực trong nuôi dưỡng chăm sóc và phát triển trẻ em; Dự thảo các tiêu chuẩn chất lượng về chăm sóc, phát triển và giáo dục đầu đời cho trẻ em; Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em; Báo cáo đánh giá khu vực về pháp luật, chính sách và thực tiễn trong ASEAN liên quan đến nhận dạng, quản lý và đối xử với nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Hướng dẫn về phương pháp tiếp cận không bạo lực trong môi trường nuôi dưỡng chăm sóc và phát triển cho trẻ em; Sửa đổi quy chế hoạt động của ACWC.
Toàn cảnh Hội thảo.
Kế hoạch công tác giai đoạn 2016-2020
Trong giai đoạn 2016-2020, ACWC sẽ chú trọng vào 16 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Nâng cao năng lực thể chế của ACWC; Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Vấn đề Buôn bán phụ nữ và trẻ em; Quyền tham gia vào tất cả các vấn đề liên quan của trẻ em; Thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em khuyết tật; Hệ thống bảo vệ trẻ em; Quyền mầm non và giáo dục chất lượng; Đẩy mạnh thực hiện quốc tế hóa, ASEAN và các công cụ liên quan đến các quyền của phụ nữ và trẻ em; Tác động xã hội của sự thay đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em; Bình đẳng giới trong giáo dục (sách giáo khoa, giáo trình, tiếp cận bình đẳng); Tăng cường các quyền kinh tế của phụ nữ có liên quan đến phụ nữ nghèo, quyền của phụ nữ đối với đất đai và tài sản; Sức khỏe về thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên; Quan điểm về giới trong các chính sách, chiến lược và các chương trình cho lao động nhập cư; Lồng ghép giới, Kết hôn sớm, Phụ nữ tham gia các các công tác chính trị, ra quyết định, quản lý nhà nước và nhân dân. Trong các hoạt động này, có 12 hoạt động, dự án đã hoàn thành, số còn lại đang triển khai và đã được lên kế hoạch.
Riêng trong năm 2019-2020, Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động sau: Họp tham vấn mạng lưới ACWC quốc gia tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; Chuẩn bị Lễ ra mắt Báo cáo khu vực Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc đảm bảo địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN; Triển khai thực hiện Dự án Đối thoại khu vực về bắt nạt trẻ em tại trường học và trực tuyến; Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch công tác về xóa bỏ bạo lực trẻ em; Cuộc họp ACWC Retreat: Kỷ niệm 10 năm thành lập ACWC tại Việt Nam năm 2020…
Ông Victor Karuman – Tư vấn khu vực trình bày Đánh giá giữa kỳ.
Ngoài việc cập nhật các hoạt động của ACWC từ 2012-2020, Hội thảo lần này còn có báo cáo Đánh giá giữa kỳ của ông Victor Karuman – Tư vấn khu vực, chuyên gia về quyền con người và báo cáo Tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (PRA-EVAC) tại Việt Nam của bà Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH). Các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng đã thảo luận nhóm về tiến độ thực hiện 8 hành động của PRA-EVAC.
Bài: Thanh Huyền - Ảnh: Mạnh Dũng/GĐ&TE