Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Dự án “Hỗ trợ trẻ em lang thang và có nguy cơ bỏ học đi lang thang” được hỗ trợ từ nguồn vốn được lấy từ số kinh phí còn dư của Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang do Ủy ban châu Âu (EC) viện trợ không hoàn lại trong các giai đoạn từ năm 2004-2007 (pha I), từ năm 2009-2012 (Pha II) với tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng cho các nội dung: Đánh giá kết quả tác động của dự Hỗ trợ trẻ em lang thang-Pha II; hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia và trẻ em nguy cơ bỏ học tiếp tục được học tập; truyền thông giáo dục và vận động xã hội; hội thảo đánh giá kết quả thực hiện.
Sau thời gian thực hiện, dự án đã: Đánh giá kết quả quản lý, sử dụng vốn vay quay vòng (đã được thực hiện trong Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang-pha II) và đưa ra bài học kinh nghiệm về mô hình can thiệp của dự án làm cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động tiếp theo để giảm thiểu trẻ em lang thang trong cả nước; từ năm 2017-2019, Quỹ BTTEVN đã phối hợp với Quỹ BTTE 5 tỉnh là địa bàn trọng điểm (trong 10 tỉnh, thành phố của Pha II) và 2 trung tâm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ em tàn tật, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An) được lựa chọn triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ em lang thang và nguy cơ bỏ học đi lang thang, giúp gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, cung cấp điều kiện học tập đồ dùng học tập, xe đạp và các nguồn lực khác từ kinh phí của địa phương... để trẻ em được tới trường.
Trong thời gian qua, để xác định chính xác 1.000 trẻ em nhận hỗ trợ, Quỹ BTTEVN đã phối hợp với 5 tỉnh thực hiện hoạt động khảo sát, rà soát và xác định những trẻ em nguy cơ bỏ học mới phát sinh. Việc quản lý trẻ em được theo dõi qua hoạt động hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng thông qua hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ Quyền trẻ em và có cộng tác viên tại xã theo dõi để kịp thời hỗ trợ.
Cùng với hoạt động chung về công tác bảo vệ, chăm sóc, Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang và nguy cơ bỏ học đi lang thang đã tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông về dự án tại cộng đồng, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo, đài ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và giới thiệu về mục tiêu hỗ trợ trẻ em của dự án. Tính đến tháng 8-2019, được người dân và cộng đồng hưởng ứng nên các hoạt động truyền thông của dự án đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu văn kiện dự án đề ra. Đã vận động hồi gia và xóa bỏ tình trạng trẻ em nguy cơ cao bỏ học đi lang thang kiếm sống và ngăn ngừa giảm thiểu đáng kể số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học. Đặc biệt, mô hình CLB Quyền trẻ em đã được chia sẻ và hướng dẫn triển khai tại các xã, phường thị trấn nơi có hệ thống của Quỹ BTTEVN. Đây là hoạt động được trẻ em và người dân đánh giá cao vì mang lại sân chơi bổ ích cho trẻ em tại cộng đồng.
Tại Hội thảo, sau khi lãnh đạo Quỹ BTTEVN đọc các báo cáo tổng kết khảo sát vốn vay “Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang” và báo cáo tổng kết “Hỗ trợ trẻ em lang thang và nguy cơ bỏ học đi lang thang”, các đại biểu đã có những tham luận về vấn đề trẻ em lang thang ở Việt Nam hiện nay. Những đánh giá khách quan về dự án của những người trực tiếp tham gia triển khai dự án tại địa phương được lãnh đạo Quỹ BTTEVN tiếp thu, đồng thời rút kinh nghiệm để triển khai các dự án hỗ trợ trẻ em có hiệu quả cao nhất.
PV/GĐ&TE