Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hồi ức không quên

(Dân sinh) - Những ngày tháng 4 lịch sử, ký ức về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại ùa về trong tâm trí mỗi người lính từng tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện, những hồi ức của các cựu chiến binh là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ, tri ân.

Thời khắc hào hùng

Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa xuân năm 1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như những mốc son chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Trong không khí kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), tôi tìm tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nơi đây lưu giữ rất nhiều ký ức hào hùng về các cuộc kháng chiến của dân tộc. Bất chợt, tôi bắt gặp những lá thư đã ngả màu theo thời gian như níu giữ sự liên tưởng về một thời hoa lửa.

Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn người dân thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn người dân thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Một trong nhiều bức thư khiến tôi ấn tượng là Quyết tâm thư ký bằng máu (có số đăng ký 4831-Gi-1015) của cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 16, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Theo tìm hiểu, năm 1969, nghe tin Bác Hồ từ trần, toàn mặt trận tỏ lòng thương tiếc vô hạn, Bộ Tư lệnh mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã phát động phong trào “Thi đua lập công đền ơn Bác”. Các đơn vị quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều “Trận đánh đền ơn Bác”, “Lập công dâng Bác kính yêu” diễn ra sôi nổi.

Với tinh thần đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 đã viết một bức thư dài bày tỏ mong muốn ra trận sẵn sàng lập công. Tất cả cán bộ, chiến sĩ lấy máu của mình ký vào đơn thể hiện ý chí mạnh mẽ, hy vọng được cấp trên chấp thuận. Đáng chú ý, trong thư, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 viết: “… Bác mất đi để lại trong lòng chúng tôi niềm xót thương vô hạn, nhưng chúng tôi cũng tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, được trực tiếp cầm súng tiêu diệt bọn xâm lược Mỹ bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Bức thư kết thúc bằng lời đề nghị thiết tha nhưng cũng rất mạnh mẽ: “Trong giờ phút cả nước tiếc thương Bác, chúng tôi thiết tha đề nghị Đảng uỷ và Thủ trưởng Trung đoàn cho chúng tôi được đi chiến đấu ngay để đền đáp lại công ơn trời biển của Bác. Để biểu thị rõ quyết tâm của mình, chúng tôi xin gửi tới Đảng ủy và Thủ trưởng Trung đoàn những chữ ký bằng máu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Trung đội”… thế mới thấy, tinh thần về một thời hoa đỏ bất diệt. Chính tinh thần ấy đã thôi thúc những người con đất Việt dấn thân, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh và nhận lấy danh xưng, người lính bộ đội Cụ Hồ đầy tự hào. Họ tự nguyện lấy máu mình tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, bảo vệ non sông đất nước.

Cựu chiến binh Bàng Nguyên Sáu (sinh năm 1949) trú tại Phố chợ Khâm Thiên kể, những ngày bom đạn ấy, hễ đất nước gọi là thanh niên trai tráng lên đường. Nếu không đi hoặc ai chưa đủ điều kiện đi là lòng thấy ấm ức. Như gia đình ông cũng vậy, ông nhập ngũ tháng 7/1967 được điều động làm nhiệm vụ vận chuyển cáng thương và tiếp phẩm quân lương thì ít năm sau, người em trai Bàng Nguyên Thất cũng tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi quân xâm lược.

Nỗi niềm trong khoảnh khắc tự hào dân tộc

48 năm trôi qua, nhưng không khí náo nức của những ngày non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người. Với cựu chiến binh Đặng Đình Chiến (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), ngày đất nước thống nhất là hình ảnh xe pháo, mũ áo địch vứt khắp trục đường tiến vào Sài Gòn; là âm thanh reo vui và những giọt nước mắt ăn mừng trong rừng cao su. Theo lời cựu chiến binh Đặng Đình Chiến, năm 1972 ông lên đường nhập ngũ vào Quân đoàn 1. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị ông hành quân vào chiến trường Quảng Trị đầy khốc liệt. Những ngày đêm quần nhau với địch ở Quảng Trị, chiến sĩ Đặng Đình Chiến và đồng đội băng qua mưa bom, bão đạn, vượt qua những lằn ranh sống chết để đánh bại kẻ thù.

Cựu chiến binh Bàng Nguyên Sáu ôn lại ký ức về một thời hoa lửa.

Cựu chiến binh Bàng Nguyên Sáu ôn lại ký ức về một thời hoa lửa.

Tới đầu năm 1975, đơn vị ông Đặng Đình Chiến lại được điều về tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo lời cựu chiến binh Đặng Đình Chiến, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tuy nhiên, theo điều động nên ông cùng đồng đội được phân công “cắm” và đón lõng nhằm ngăn chặn mũi rút lui của địch. Trước sự tiến công của quân ta, có những thời điểm mũi đón lõng địch đã bắt giữ hàng trăm hàng binh. Ngày nghe tin miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất ông và đồng đội ôm nhau khóc như mưa. Ai nấy đều mừng vì chiến tranh kết thúc, chắc chắn được sống, được đoàn tụ với người thân. Tiếng hò hét, hô khẩu hiệu vang lên đó đây: “Bác Hồ muôn năm!”; “Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!”.

Tương tự, với cựu chiến binh Bàng Nguyên Sáu, tuy không trực tiếp tham gia đánh trong chiến dịch nhưng trên con đường giải phóng tiến vào Sài Gòn, đối với ông là con đường không hề dễ dàng, đầy hiểm trở, khó khăn, ác liệt. Nhiệm vụ hậu phương phía sau của các ông cũng đã góp phần thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Thời điểm năm 1975, đất nước thống nhất, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trông giữ thực phẩm ở khu vực Campuchia tôi và đồng đội di chuyển về Sài Gòn, từ xa đã nghe được tiếng súng nổ, tiếng cười vang. Đến nơi, anh em trong đơn vị tay mắt mặt mừng trong ngày vui thống nhất”, cựu chiến binh Bàng Nguyên Sáu kể.

Nhắc đến thời khắc lịch sử của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đôi mắt cựu chiến binh Lê Xuân Mói (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) lại ngấn lệ, bởi theo ông, mỗi dịp kỷ niệm là một lần trái tim ông xốn xang với những ký ức ùa về. Và rồi, những hình ảnh về năm tháng lịch sử ấy dần được hiện lên như thước phim quay chậm. Ông Mói cho biết, ông sinh năm 1955, tại thôn Đan Nhiễm. Tháng 4/1974, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị bộ binh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320, Quân khu 8, đóng quân tại Mỹ Tho - đồng bằng sông Cửu Long.

Trong trận đánh ngày 25/4/1975, giặc điên cuồng ném bom oanh tạc căn cứ hậu cần Quân khu và bệnh viện tỉnh Mỹ Tho. Tại trận chiến ác liệt đó, nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Bản thân ông khi ấy cũng ngất đi khi mất một chân. “Ngày tôi biết tin miền Nam giải phóng, khi đó chân tôi vừa mới cắt, vết thương chưa lành, đầu óc còn choáng váng nhưng nghe tin tôi và các đồng đội đang điều trị trong bệnh xá vẫn hét lên vì vui mừng. Khi đó có đồng đội khóc nấc lên, còn tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc…”, cựu chiến binh Lê Xuân Mói bồi hồi nhớ lại.

Chia tay những người cựu chiến binh, những chứng nhân lịch sử ngày đất nước thống nhất, trong tôi vẫn văng vẳng câu chuyện về ngày đất nước chìm trong mưa bom, bão đạn, để rồi trái tim vỡ òa khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Câu chuyện của những cựu chiến binh Lê Xuân Mói, Đặng Đình Chiến, Bàng Nguyên Sáu… là số ít trong hàng vạn câu chuyện của người chiến sĩ giải phóng năm xưa. Trong hòa bình hôm nay có đóng góp xương máu của họ.

Trở về giữa đời thường, những người cựu chiến binh năm nào vẫn luôn trân trọng giá trị của hòa bình và vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của người lính Bộ đội Cụ Hồ, vẫn nhiệt huyết góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Như cựu chiến binh Đặng Đình Chiến thầm lặng góp sức mình làm công tác dân vận, là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 11, phường Ngọc Lâm được dân quý, dân tin; cựu chiến binh Bàng Nguyên Sáu thầm lặng góp sức mình tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong những ngày Hà Nội giãn cách; cựu chiến binh Lê Xuân Mói suốt nhiều năm nay đều thầm lặng đi vận động ủng hộ để có những suất quà tặng nạn nhân chất độc da cam… Tất cả họ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.