Tổ chức thi an toàn, đảm bảo mục tiêu kép
Tại cuộc họp, chia sẻ với những khó khăn của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đang căng mình chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ càng các điều kiện tổ chức thi đợt 2 của các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi đợt 2 còn trên 11.000 thí sinh của 39 tỉnh, thành phố đăng ký dự thi. Cả nước còn 13 Hội đồng thi đặt tại các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đồng Nai. Với sự cộng đồng trách nhiệm, các địa phương đã phối hợp gửi - nhận thí sinh để tổ chức thi an toàn, bảo đảm quyền lợi cho các em.
"Đợt 2 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tuy số lượng thí sinh ít nhưng đòi hỏi tính công bằng rất cao, không vì ít thí sinh mà lơ là chủ quan. Đợt thi này, ngoài phải tiếp tục đảm bảo mục tiêu kép là an toàn quy chế, an toàn phòng dịch còn có thêm mục tiêu quan trọng nữa là công bằng và cân bằng giữa hai đợt thi. Các Hội đồng thi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt sâu sắc các nội dung này tới thành viên trong Hội đồng", ông Độ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, các Hội đồng thi cũng như địa phương có thí sinh đăng ký dự thi rà soát lần nữa danh sách thí sinh dự thi, thí sinh có nguyện vọng xét đặc cách tốt nghiệp THPT, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây thiệt thòi cho các em. Những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc vướng mắc trong đi lại, ăn ở cần được hỗ trợ kịp thời để đảm bảo không em nào điều kiện khó mà không thể dự thi.
Về việc phòng dịch COVID-19, đặc biệt với hai tỉnh An Giang, Tiền Giang, dịch đang rất phức tạp, vấn đề này cần đặt lên hàng đầu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh và cán bộ làm thi. Từ bài học xét nghiệm gộp mẫu nên bị lọt F0 vào điểm thi của TP Hồ Chí Minh trong đợt 1, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương có phương án phù hợp để sàng lọc chính xác và tổ chức thi hợp lý cho các trường hợp liên quan đến dịch bệnh.
Song song với đó, công tác tập huấn quy chế, nghiệp vụ làm thi cần thực hiện kỹ lưỡng. Cán bộ, giáo viên được cử tham gia coi thi phải là "tinh hoa, chất lượng và có trách nhiệm". Để đảm bảo điều này, Hội đồng thi có thể điều động lại các cán bộ, giáo viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong thi đợt 1 để làm đợt 2. Tương tự, những gì tích cực đã cho kết quả tốt trong thi đợt 1 cần được phát huy và những gì còn hạn chế phải khắc phục.
Thí sinh, cán bộ coi thi phải xét nghiệm COVID-19
Tại cuộc họp, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố đã báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị thi đợt 2 của địa phương. Trong 4 tỉnh, Bắc Giang có số lượng thí sinh dự thi đợt này đông nhất (tính đến ngày 3/8), với 3.106 em. Trong đó, 51 thí sinh là của 7 tỉnh khác gửi sang, gồm: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Trần Khắc Nam cho biết, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Sở đã thống nhất với các đoàn của các tỉnh hạn chế tối đa số người đi theo; bố trí phương tiện tập trung, hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác trong quá trình di chuyển. Đồng thời, Sở đã xây dựng phương án tổ chức đón - đưa các đoàn thí sinh đến và rời khỏi Bắc Giang an toàn, thuận lợi. Sở GD&ĐT bố trí nơi lưu trú riêng và cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các đoàn.
Kỳ thi đợt 2, Bắc Giang có 8 điểm thi với 139 phòng thi, đặt chủ yếu tại huyện Lục Ngạn - nơi đông thí sinh dự thi đợt 2 nhất. Các thí sinh tỉnh ngoài được bố trí thi tại các điểm thi gần nơi lưu trú.
Tỉnh An Giang, từ địa phương có số thí sinh chưa thể dự thi đợt 1 đông nhất cả nước (4.922 em), sau khi có quyết định bổ sung thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT, tỉnh chỉ còn là 1.740 thí sinh có nguyện vọng dự thi đợt 2. Bên cạnh đó, có 3 thí sinh của tỉnh ngoài là Hậu Giang, Kiên Giang được gửi dự thi tại Hội đồng thi An Giang.
Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, dù chỉ còn hơn 1.700 em có nguyện vọng thi đợt 2, trong điều kiện số ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố vẫn quyết tâm tổ chức đợt thi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Công tác chuẩn bị điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất đảm bảo an toàn quy chế, an toàn phòng dịch được địa phương thực hiện chu đáo. An Giang đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên mỗi phòng thi chỉ xếp tối đa 12 thí sinh. Mỗi điểm thi trong số 11 điểm thi và 182 phòng thi chính thức có ít nhất hai phòng thi dự phòng cho đối tượng có dấu hiệu dịch tễ sốt, ho... Hội đồng thi của tỉnh đồng thời bố trí 4 điểm thi dự phòng để sẵn sàng "kích hoạt" trong trường hợp điểm thi chính thức không thể tổ chức. Sáng 4/8, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh tham gia đợt thi thứ 2 tại Hội đồng thi tỉnh An Giang đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR; đa số cán bộ làm thi đã tiêm vaccine mũi 1.
Hội đồng thi Tiền Giang có 34 thí sinh dự thi đợt 2. Toàn bộ thí sinh và cán bộ tham gia làm thi thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" - ăn, nghỉ, thi tại điểm thi từ ngày làm thủ tục đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng. Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức test nhanh cho tất cả người tham gia công tác tổ chức kỳ thi, coi thi, thí sinh; phun khử khuẩn khuôn viên điểm thi trước ngày thí sinh làm thủ tục và cuối mỗi ngày thi.
Hội đồng thi thành phố Hải Phòng có 265 thí sinh; trong đó, nhiều thí sinh là của tỉnh, thành phố khác gửi sang. Toàn bộ cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh của Hải Phòng tham dự đợt 2 đã xét nghiệm COVID-19. Riêng thí sinh và cán bộ, giáo viên, phụ huynh đi cùng thí sinh của tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh sang dự thi được xét nghiệm 3 lần vào các thời điểm có mặt tại Hải Phòng, trước ngày tập trung làm thủ tục dự thi và sau khi kết thúc buổi thi cuối.