Phụ huynh xếp hàng đăng ký cho con xét nghiệm sán lợn tại Trường Mầm non Thanh Khương sáng 18/3. Ảnh: Internet.
Đã có 209 trẻ Bắc Ninh bị dương tính với sán lợn
Về vụ việc 209 trẻ Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với sán lợn, có thể tóm lược như sau:
Ngày 22/2, mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn clip Trường Mầm non Thanh Khương cho học sinh ăn thịt lợn nghi bị mắc bệnh sán gạo.
Ngày 5/3, một số phụ huynh đến trường, kiểm tra thức ăn của các con và livestream lên Facebook với nội dung Trường Mầm non Thanh Khương sử dụng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn để chế biến cho các cháu ăn. Một số bậc phụ huynh sau đó đã cho con nghỉ học.
Phòng GD&ĐT huyện Thuận Thành đã mời công an vào kiểm tra, thu giữ hơn 10kg thịt gà được cấp đông của Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành (nhà cung cấp thực phẩm cho 19 trường học tại Thuận Thành) và làm thủ tục chuyển giao, gửi mẫu đi giám định tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả: mẫu thịt gà tại Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm!
Ngày 6/3, nhiều phụ huynh tiếp tục cho con nghỉ học, toàn trường chỉ có 111/568 trẻ đến lớp.
Ngày 7/3, một gia đình ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành tự đưa 3 trẻ nhỏ đi khám xét nghiệm ký sinh trùng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó 2 cháu có kết quả dương tính với sán dây lợn.
Tiếp tục, từ ngày 15 - 17/3, hàng nghìn gia đình có con học tại Trường Mầm non Thanh Khương và một số xã khác trên địa bàn huyện đã đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Ngày 18/3, Sở Y tế Bắc Ninh phối hợp với bác sĩ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tổ chức lấy mẫu tại chỗ cho học sinh 19 trường mầm non ở huyện Thuận Thành và gửi đến bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm sán lợn.
Tính đến chiều 18/3, số học sinh dương tính với sán lợn tại Bắc Ninh là 209 trẻ.
Ngày 21/3, Bộ Y tế ký văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, đề nghị tỉnh Bắc Ninh ngừng lấy mẫu máu trẻ mầm non để xét nghiệm sán, bởi kết quả dương tính không có nghĩa là mắc bệnh. Theo Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm Elisa dương tính với sán lợn không thể khẳng định là đang mắc bệnh sán dây lợn. Đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng, cần có một số xét nghiệm khác mới có thể xác định bệnh.
Ngày 18/3, vẫn nhiều phụ huynh đưa con ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) lấy máu làm xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Internet.
Làm cha mẹ, chúng ta phải làm gì để bảo vệ con mình?
Làm cha mẹ, ai cũng rùng mình khi xem những hình ảnh miếng thịt lợn có sán gạo được mọi người chia sẻ hàng loạt trên Facebook. Có phải con em chúng ta đã ăn những thực phẩm nhiễm bệnh này? Mặc dù, các bác sĩ cho biết, thịt lợn gạo nếu nấu chín sẽ không còn nguy cơ lây bệnh, nhưng thử hỏi ai có đủ dũng cảm để ăn những loại thực phẩm như thế?! Các bác sĩ cũng cho biết các cháu có kết quả xét nghiệm dương tính hiện chưa cần phải điều trị ngay mà chỉ điều trị khi người nhiễm bệnh có những biểu hiện như đi ngoài có đốt sán, các ấu trùng nổi mụn hạch trên cơ thể. Thậm chí, người ta còn cho rằng, hơn 200 trẻ ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn là chuyện bình thường và rằng không có chuyện các công ty cung cấp thực phẩm cho trường học được “bảo kê”.
Có phải Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành đã cung cấp thịt lợn gạo cho Trường Mầm non Thanh Khương hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nhưng cho dù kết luận là gì thì ngay từ bây giờ, những người làm cha mẹ cần học cách bảo vệ con mình trước nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.
Có phải Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành đã cung cấp thịt lợn gạo cho Trường Mầm non Thanh Khương hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nhưng cho dù kết luận là gì thì ngay từ bây giờ, những người làm cha mẹ cần học cách bảo vệ con mình trước nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.
Hội phụ huynh học sinh có thể làm được nhiều điều hơn bạn vẫn nghĩ là họ chỉ biết thu tiền và chúc mừng thầy cô những dịp lễ/Tết. Chúng ta cần quan tâm đúng mực hơn tới vai trò của ban phụ huynh. Ban phụ huynh là người giám sát các hoạt động của nhà trường và là người bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các con. Đã đến lúc, các bậc phụ huynh cần tham gia nhiệt tình hơn vào ban phụ huynh thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đại diện ban phụ huynh có quyền kiểm tra và giám sát các bữa ăn của con ở trường, thậm chí chúng ta có quyền xin mẫu thực phẩm để đem đi xét nghiệm nếu cảm thấy nghi ngờ thay vì đợi nhà trường lên tiếng. Tuy nhiên, lại có một câu hỏi đặt ra là, phía nhà trường có thể sẽ không tin kết quả xét nghiệm của hội phụ huynh (cũng giống như hội phụ huynh không tin các kết quả xét nghiệm của nhà trường). Vì chúng ta đã không còn tin tưởng nhau nên mỗi khi hành động, để bảo vệ chính mình, hội phụ huynh nên cẩn thận quay phim, chụp hình, ghi âm, nhờ một đơn vị độc lập có uy tín tham gia xét nghiệm.
Người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Ảnh minh họa: Internet
Nếu cảm thấy nghi ngờ chất lượng bữa ăn trường học mà chưa có cách nào giải quyết thỏa đáng, không quá bận rộn, bạn có thể cho con nghỉ học bán trú để về nhà ăn trưa với gia đình. Cách này chỉ một số phụ huynh làm việc thời gian tự do mới có thể áp dụng. Hoặc bạn cũng có thể sắp xếp thời gian dậy sớm hơn để chuẩn bị bữa trưa cho con đem đến trường. Điều này không mấy dễ dàng nhưng không phải không thể thực hiện. Tuy nhiên, đây đều là những biện pháp bất đắc dĩ, cách tốt nhất vẫn là thông qua ban phụ huynh để thường xuyên trao đổi với ban giám hiệu nhà trường về vấn đề chất lượng bữa ăn của học sinh. Khi phụ huynh quan tâm thường xuyên hơn đến vấn đề này, buộc các trường học cũng phải cẩn trọng hơn trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ.
Bình Yên/GĐ&TE