Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hơn 30,6 triệu người nhiễm nCoV trên thế giới

Theo thống kê, tính đến 9h sáng ngày 19/9, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 30,6 triệu ca, số ca tử vong là hơn 955 nghìn.

Theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers, thế giới ghi nhận hơn 30,6 triệu người nhiễm, hơn 955.000 người chết do nCoV, khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở châu Âu.  213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 30.652.101 ca nhiễm và 955.694 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 325.112 và 5.130 ca sau 24 giờ, trong khi 22.327.232 người đã bình phục.

Cụ thể:

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.918.706 ca nhiễm và 203.073 người chết, tăng lần lượt 49.332 và 948 ca so với một ngày trước đó. Chính quyền Trump ngày 18/9 lần thứ hai thay đổi chỉ dẫn về xét nghiệm, yêu cầu những người tiếp xúc với người nhiễm nCoV làm xét nghiệm dù họ không có triệu chứng. Hồi cuối tháng 8, CDC Mỹ đã gây tranh cãi khi khuyến cáo người có triệu chứng không cần làm xét nghiệm.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 92.789 ca nhiễm và 1.221 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 5.305.475 và 85.625. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 762 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 135.793. Số người nhiễm nCoV tại Brazil tăng 37.740 trong 24 giờ qua, lên 4.495.183.Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Cập nhật COVID-19:Thế giới hơn 30,6 triệu người nhiễm nCoV - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Reuters

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 657.627 ca nhiễm và 15.857 ca tử vong, tăng lần lượt 2.055 và 85. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 279.526 ca nhiễm và 4.830 ca tử vong, tăng lần lượt 3.257 và 47 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 236.519 ca nhiễm, tăng 3.891 so với hôm trước, trong đó 9,.336 người chết, tăng 114 ca. Thủ đô Jakarta từ 14/9 tiếp tục siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau hơn 100 ngày. Trường hợp tử vong nói trên là nam giới, 54 tuổi, công dân Thái Lan vừa trở về từ nước ngoài hồi đầu tháng này. Người này là phiên dịch viên tại Saudi Arabia và làm việc cho Bộ Lao động Thái Lan. Bệnh nhân đã được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Bangkok trong 2 tuần và đã tử vong ngày 18/9.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 18/9 công bố nước này đã ghi nhận tổng số 22.783 ca mắc COVID-19, tăng 126 ca so với một ngày trước đó, trong đó có 109 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 17 ca nhập cảnh. Cùng ngày, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn cảnh báo đặc biệt về đi lại đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ thêm 1 tháng do dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh trên toàn cầu, nhiều quốc gia vẫn cấm du lịch, số ca nhiễm "ngoại nhập" tiếp tục tăng. Còn ở trong nước, bên cạnh việc siết chặt các biện pháp phòng dịch, Hàn Quốc cũng cảnh báo người dân hạn chế đi lại, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định phòng dịch trong dịp lễ Trung thu sắp diễn ra.

Do số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày lên tới 4.500 ca, Israel đã lần thứ hai áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ đón Năm mới của người Do Thái - Rosh Hashana. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã khẳng định sự cấp thiết của việc phong tỏa. Theo quy định mới, người dân Israel chỉ được phép di chuyển trong bán kính 500 m tính từ nhà của họ, ngoại trừ đi xa để mua nhu yếu phẩm hay đi làm. Số nhân viên làm việc tại công sở cũng bị hạn chế. Tính đến ngày 18/9, Israel đã ghi nhận tổng cộng 175.256 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.169 ca tử vong, trong khi dân số chỉ khoảng 9 triệu người.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại Anh. Theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước, theo đó cứ 8 ngày số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi. Trong khi đó, Pháp và CH Czech lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Pháp ghi nhận thêm 10.593 ca mắc, còn Czech ghi nhận 3.130 ca mắc mới.