Phòng 8 người thì 7 người bị kiến đốt
Theo nhiều bạn sinh viên, dù đã được báo trước là tới mùa mưa sẽ có kiến ba khoang “tấn công” nhưng không ngờ tình hình lại “nghiêm trọng” như hiện nay.
Nguyễn Quảng Bá Đông (sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học tự nhiên), cho biết, phòng có 6 người thì 5 người bị kiến ba khoang “hành hạ”. Chỉ có một bạn mới chuyển vào ở là chưa bị kiến đốt.
“Em bị kiến đốt khoảng 2 tuần trước. Giai đoạn đầu chỉ nổi mụn nước nhưng sau đó tiếp tục nổi mụn mủ. Chỗ mụn nước chỉ ngứa thôi còn mụn mủ thì nóng hơn, khi tắm thì cảm giác đau rát và nóng như bị bỏng vậy. Dù rất đau nhưng em phải tắm ngày tới 3 lần để xoa thuốc điều trị”, Đông nói.
Đông cho biết, không hiểu vì sao bị kiến đốt vài chỗ mà vết thương lại lan rộng khắp cơ thể. Vài chỗ là vết thương đơn lẻ, sau 10 ngày vùng tổn thương khô lại và kéo da non, hết sẹo. Nhưng có vùng lan rất rộng và chỉ biết trông chờ vào việc điều trị, không biết khi nào mới khỏi. Cảm giác rát, ngứa âm ỉ khiến việc ăn mặc khó khăn; học tập hết sức vất vả.
Đồng cảnh ngộ, Nguyễn Hữu Khương (sinh viên năm 2, ĐH Nông lâm ) ở khu B cho biết, phòng có 8 người thì hết 7 người bị bệnh do kiến ba khoang gây ra. Khương bị kiến đốt cách đây 10 ngày, lúc nào ngủ cảm thấy ngứa và kiểm tra thì phát hiện kiếm ba khoang trong chăn.
“Bị kiến ba khoang đốt khó chịu không thể tưởng. Sưng hết cả mắt. Phải nghỉ học 2 ngày. Mắt không mở ra được. May là em chỉ bị tổn thưởng mắt trái chứ bị mắt phải nữa chắc không thấy đường đi”, Khương kể lại thời kỳ “khủng hoảng” vì kiến đốt phải nghỉ học. Thời điểm đó, Khương xuống Trạm y tế KTX xin thuốc về bôi đến 5 ngày thì vùng mắt mới lành.
Kết hợp nhiều biện pháp để phòng, chống kiến ba khoang
Trao đổi với PV Dân trí, Ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, hiện tượng sinh viên đang mắc phải là bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng mà chủ yếu là kiến ba khoang gây ra. Đây là đợt cao điểm của kiến ba khoang. Trung tâm đã vận động các em yên tâm vì đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng rõ ràng ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập.
“Hôm nay, chúng tôi đã mời Trung tâm y tế dự phòng của quận Thủ Đức và TP đến bàn bạc để tìm phương án phòng chống tốt nhất. Chúng tôi không thể chủ quan với số lượng hơn 500 sinh viên đang điều trị. Tính đến nay đã có khoảng 1.200 sinh viên mắc bệnh do kiến gây ra, nhiều bạn bị nhẹ bôi thuốc đã khỏi. Có thể nói đây là con số lớn so với tất cả các nơi. So với cùng thời điểm này, năm ngoái có 215 ca bệnh”, ông An nói.
Nhiều bạn sinh viên “bẫy” kiến ba khoang và bỏ vào chai nước
Theo ông An, phòng và chống là chính chứ hy vọng hết cũng rất khó vì kiến ba khoang xuất hiện và gây hại là hiện tượng tự nhiên. Trong 3 ngày qua trời nắng nên kiến xuất hiện giảm đáng kể. Nhưng tối hôm qua (1/10) trời mưa đến 3 giờ sáng, Trung tâm tiếp tục động viên các bạn sinh viên cố gắng tạo ra sự đề kháng tốt nhất bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: tờ rơi, phát thanh, truyền hình, clip; nhắc nhở sinh viên đóng kín cửa hạn chế kiến bay vào.
“Chiều nay và sáng mai, chúng tôi phải lên Bệnh viện Da liễu để trao đổi thêm về chuyên môn để điều trị cho các em tốt hơn. Hiện nay phát đồ điều trị chia làm 2 loại. Loại phát đồ điều trị nhanh thì mất từ 4 - 5 ngày là xong. Có những cái trường hợp nặng hơn (vết thương lan rộng) thì phải mất 10 - 12 ngày mới ổn định được. Hiện nay trên cả nước chưa có phát đồ điều trị chuẩn đối với bệnh do kiến ba khoang gây ra”, ông An nói.
Ông An cho biết thêm, từ năm 2007, kiến ba khoang cũng có nhưng ít, chưa thành hiện tượng lớn. Quanh KTX còn nhiều vườn cây rậm rạp, thời gian qua mưa nhiều gây ngập tổ nên kiến ba khoang bay ra. Mà đặc điểm của loại kiến này là cứ thấy ánh sáng là đến. Hiện nay, Trung tâm đưa ra phương pháp dùng đèn để nhử kiến. Đặt chậu nước phía dưới bóng đèn để hút kiến vào đó.
“Nếu hiệu quả thì chúng tôi sẽ nhân rộng. Thời gian tới sẽ kết hợp nhiều biện pháp phòng chống như phun thuốc trong và ngoài KTX để hạn chế kiến ba khoang”, ông An nói.
Cách phòng tránh kiến ba khoang Kiến ba khoang đốt rất đau và trong bụng có chứa một chất độc giống như giống như chất cantharidin ở sâu ban miêu. Gần đây, các nhà côn trùng học đã xác định là chất pederin có độc tính gấp 12 – 15 lần rắn hổ. Peredin có trong máu của kiến, thậm chí khi kiến chết khô 8 năm sau thì độc tính vẫn tồn tại. * Do cơ thể loài kiến này có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên khi tiếp xúc với da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axit. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da đã tạo ra những vùng tổn thương dài. Vị trí hay gặp ở những vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tính chất của vết thương là ban đỏ mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da, rát và ngứa âm ỉ không thành cơn. Nên đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau. Có thể bẫy kiến ba khoang bằng cách đặt một bóng đèn ở ngoài căn nhà, phía dưới có đặt chậu nước, kiến sẽ bị ánh sáng phản chiếu, thu hút đến và chết ở chậu nước. (Trích cẩm nang hướng dẫn của Trạm y tế KTX ĐHQG TPHồ Chí Minh) |