Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hơn 5.000 nạn nhân bom mìn được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504). Sau 10 năm thực hiện, nhiều diện tích đất đã được làm sạch bom mìn, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh. Những kết quả tích cực trên đã mang lại cuộc sống an toàn cho người dân, đồng thời, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Lực lượng công binh tập kết bom đến vị trí để xử lý.

Lực lượng công binh tập kết bom đến vị trí để xử lý.

Theo điều tra khảo sát bom mìn, trước khi ban hành Chương trình 504 thì mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai. Giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000ha (trung bình đạt gần 50.000ha, tăng 35% so với giai đoạn trước). Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ. Tổng kinh phí huy động cho chương trình là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước hơn 10.000 tỷ đồng và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Trước năm 2010 số nạn nhân bình quân hàng năm là gần 400 người, trong đó, gần 200 người bị chết. Những năm gần đây, số nạn nhân bom mìn là dưới 50 người, có nhiều địa phương trong nhiều năm nay không xảy ra tai nạn bom mìn, đặc biệt Quảng Trị là tỉnh có mật độ bom mìn cao nhất cả nước đã không có tai nạn bom mìn trong năm 2019 và 2020. Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện xác nhận mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn. Đến nay, đã có 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Đến hết năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hàng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, được học nghề, được hỗ trợ sinh kế.... Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế, với số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Năm 2022, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hỗ trợ 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống; triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP). Chủ trì hoạt động của các nhóm công tác bom mìn tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng, thực hiện hợp tác hiệu quả, thiết thực; ký kết và thúc đẩy các bên thực hiện bản ghi nhớ đã ký trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn. VNMAC đã triển khai dự án “Rà phá bom mìn giai đoạn 3 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; dự án “Thí điểm Quy trình và Bộ công cụ quản lý rủi ro đối với hành động bom mìn tại Việt Nam”; dự án “Hệ thống quản lý thông tin trong khắc phục hậu quả bom mìn” giai đoạn 2020 - 2023; dự án “Điều phối và cung cấp cố vấn kỹ thuật cấp cao cho VNMAC” theo kế hoạch, an toàn, chất lượng…

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau chiến tranh, Việt Nam rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.

"Các công việc này đã và đang được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐ-TB&XH triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội...", bà Phạm Thị Hải Hà chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc- Phó tổng giám đốc VNMAC cho biết, hiện tổng số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, do đó phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống an toàn cho nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2023, VNMAC tiến hành thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 đề xuất Chương trình giai đoạn 2025 - 2045 định hướng đến 2050. Xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước và quốc tế; xây dựng hoàn chỉnh và trình ban hành chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và nội dung thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.