Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hơn 594,48 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2

Đến sáng 14/8, thế giới có trên 594,48 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,45 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Theo Worldometers, đến sáng 14/8, thế giới có trên 594,48 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,45 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 94,64 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,062 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Mỹ tiếp tục nới lỏng các quy định về phòng chống COVID-19 đối với những người khi xét nghiệm có kết quả dương tính với virus này. Đây là quy định mới nhất của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa công bố.

Trước việc học sinh tại Mỹ chuẩn bị đến trường vào năm học mới, CDC Mỹ không còn khuyến nghị các trường học hay trung tâm chăm sóc sức khỏe áp dụng quy định xét nghiệm ở nhà để cách ly, hoặc bắt buộc cách ly đối với những người nhiễm COVID-19. Dù bỏ khuyến nghị xét nghiệm để cách ly ở nhà đối với các trường học nhưng CDC cho rằng, các trường có thể cân nhắc thực hiện việc rà soát COVID-19 trong các hoạt động rủi ro cao như các môn thể thao tiếp xúc gần hoặc tại các thời điểm trọng yếu trong năm.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,23 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm gần 527.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 153.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,21 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nhóm nhà nghiên cứu y tế thuộc Viện Burnet, Australia đã công bố mô hình mới cho thấy hiệu quả của khẩu trang đối với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Mô hình cho thấy, việc đeo khẩu trang đầy đủ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2022 có thể giảm số ca mắc, nhập viện lên đến 20% và số ca tử vong lên đến 14%. Nghiên cứu không đánh giá hiệu quả của các loại khẩu trang khác nhau.

Theo mô hình đánh giá của Australia, việc đeo khẩu trang mang lại lợi ích rõ nét, đặc biệt là ở trong nhà. (Ảnh: AP)

Theo mô hình đánh giá của Australia, việc đeo khẩu trang mang lại lợi ích rõ nét, đặc biệt là ở trong nhà. (Ảnh: AP)

 

Theo các nhà nghiên cứu, mô hình đánh giá khẩu trang, được thực hiện vào tháng 7 năm nay, phản ánh rõ lợi ích của việc đeo khẩu trang, đặc biệt là ở trong nhà. Mô hình cho thấy càng đeo khẩu trang nhiều càng mang lại hiệu quả. Do đó, khẩu trang có thể giúp giảm thời gian đỉnh dịch, đẩy nhanh việc giảm dần làn sóng bệnh dịch.

Bên cạnh đó, mô hình cũng cho thấy một lượng lớn những người nhiễm các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đã không được ghi nhận tại Australia. Giả định trên được đưa ra do sự chênh lệch giữa số ca mắc và nhập viện. Cụ thể, do số ca nhập viện cao hơn dự đoán nên các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có nhiều ca mắc trong cộng đồng chưa được thông báo.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp, nhưng đây vẫn là ngày thứ 5 con số này ở mức trên 100.000 ca/ngày. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 124.515 ca mắc COVID-19 trong ngày 13/8, giảm so với hơn 128.000 ca của ngày trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với 110.632 ca của tuần trước. Số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Hàn Quốc đã giảm dần sau khi đạt đỉnh với khoảng 620.000 ca vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, số ca mắc có chiều hướng tăng trở lại sau khi nhà chức trách dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch hồi tháng 4, cho phép người dân đi lại và tụ tập nhiều hơn. Trong 13 ngày đầu tháng 8, chỉ có 2 ngày số ca mắc mới không vượt ngưỡng 100.000 ca, tăng mạnh so với con số 9.000-41.000 ca/ngày của cùng kỳ tháng trước.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đến nay là trên 21,23 triệu ca, với 25.566 người tử vong. Riêng trong ngày 13/8, có thêm 67 người thiệt mạng do COVID-19, cao nhất kể từ ngày 8/5 đến nay, trong đó chủ yếu là những người trong độ tuổi 70-80. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc hiện là 0,12%.

Số ca bệnh COVID-19 thể nặng ở Hàn Quốc vào ngày 12/8cũng tăng lên 453 ca, mức cao nhất kể từ ngày 24/5.

Giới chức y tế Hàn Quốc dự báo, số ca mắc mới COVID-19 có thể lên tới khoảng 200.000 ca mỗi ngày trong tháng 8 này và có thể cao hơn nữa do các hoạt động ngoài trời gia tăng trong kỳ nghỉ hè.

Triều Tiên đã bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch bệnh. Động thái trên đưa ra trong bối cảnh nước này tiến tới trở lại trạng thái bình thường sau khi tuyên bố chiến thắng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo KCNA, quy định bắt buộc đeo khẩu trang và những hạn chế phòng dịch đã được bãi bỏ trên cả nước, ngoại trừ "các khu vực tuyến đầu và các thành phố, các tỉnh biên giới". Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn được khuyến nghị với những người có triệu chứng bệnh hô hấp như cúm.

Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố nước này chiến thắng trong chiến dịch khẩn cấp chống COVID-19 sau 3 tháng kể từ khi xuất hiện ca mắc đầu tiên. Theo số liệu thống kê các ca sốt hàng ngày, Triều Tiên không có thêm ca nhiễm mới nào kể từ ngày 29/7 đến nay.

Các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, Nhật Bản vẫn ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần từ ngày 1 - 7/8, Nhật Bản ghi nhận 1.496.968 ca nhiễm mới, tăng 9% so với một tuần trước đó và chiếm hơn 20% trong tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu. Tổng số người tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản là 1.002 người, tăng 53 người so với một tuần trước đó, cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Italy.

Tổng số ca nhiễm mới trên thế giới trong giai đoạn này là 6.980.516 ca, tăng 3% so với tuần trước đó. WHO nhận định số ca nhiễm mới và tử vong thực tế vì dịch COVID-19 có thể cao hơn so với con số báo cáo bởi một số nước đã thay đổi chiến lược xét nghiệm. Bên cạnh đó, theo WHO, dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục là biến thể chủ đạo gây bệnh trên toàn cầu khi gây ra khoảng 70% trong tổng số ca nhiễm mới đã được phát hiện đến cuối tháng trước. BA.5 được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 7 hiện nay ở Nhật Bản.

Nhật Bản vẫn ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp. (Ảnh: AP)

Nhật Bản vẫn ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp. (Ảnh: AP)

 

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính tới ngày 11/8, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 15 triệu ca. Ngày 13/8, Nhật Bản ghi nhận 192.364 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên trên 15,237 triệu. Với thêm 226 ca tử vong, tổng số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 ở nước này tăng lên 34.763 người.

Chính quyền Thượng Hải, thành phố đông dân nhất tại Trung Quốc, đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 hàng tuần và mở rộng chương trình xét nghiệm miễn phí đến cuối tháng 9. Thông báo được chính quyền thành phố đưa ra vào ngày 13/8 nêu rõ, những người dân không có kết quả xét nghiệm COVID-19 trong vòng 7 ngày sẽ được đưa vào nhóm "vàng", được yêu cầu hạn chế đến những địa điểm công cộng. Ngày 13/8, giới chức y tế Thượng Hải thông báo ghi nhận 1 ca mắc mới có triệu chứng và 3 ca không triệu chứng.

Hiện tỉnh Hải Nam ở miền Nam là vùng bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Tỉnh này ngày 13/8 thông báo ghi nhận 594 ca bệnh có triệu chứng và 832 ca không có triệu chứng. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và phong tỏa được áp dụng tại địa danh du lịch nổi tiếng này dự kiến sẽ kéo dài hết cuối tuần.

Theo thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), cả nước ghi nhận tổng cộng 704 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng trong ngày 13/8.

Chính quyền một số thành phố của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã quyết định gia hạn phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 đến hết cuối tuần này, trong khi chính quyền thành phố Lhasa của Khu tự trị Tây Tạng tăng cường các biện pháp hạn chế sau khi phát hiện những ổ dịch mới.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc áp dụng linh hoạt những biện pháp hạn chế, theo đó thực hiện phong tỏa thời gian ngắn hơn để đảm bảo các hoạt động không bị đình trệ quá lâu.

Bắt đầu từ ngày 15/8 tới, tất cả hành khách đến Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không cần phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 2 ngày trước khi đến. Cơ quan giám sát dịch bệnh Đài Loan đã đưa ra thông báo trên và cho biết, hành khách sau khi đến vùng lãnh thổ này vẫn phải cách ly 3 ngày và 4 ngày tự phòng dịch.

Đài Loan đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó sau khi dịch bệnh lắng dịu. Kể từ tháng 6, Đài Loan đã rút ngắn thời gian cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 7 ngày xuống 3 ngày.

Ngày 13/8, Đài Loan ghi nhận 21,289 ca nhiễm mới và 40 người ử vong vì COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Đài Loan là trên 4,86 triệu người.