Theo TTXVN, hệ thống làm lạnh kém là nguyên nhân dẫn tới việc phải loại bỏ 9% thực phẩm dễ hỏng ở các nước phát triển và khoảng 23% ở các nước đang phát triển, nơi hàng triệu người đang rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.
Các quốc gia đã ký cam kết tại một cuộc họp thường niên về Nghị định thư Montreal tại trụ sở của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc ở Rome (Italy) ngày 9/11. Đây là dịp để các bộ trưởng, các quan chức chính phủ và các chuyên gia thảo luận về quản lý các chất hóa học nhân tạo có hại cho tầng ozone được sử dụng trong tủ lạnh và các hệ thống điều hòa không khí.
Khoảng 1/3 thực phẩm trên thế giới bị vứt bỏ hoặc lãng phí. Thế giới hy vọng có thể phát triển những phương thức tốt hơn giúp giữ lạnh thực phẩm trong quá trình bảo quản và chuyên chở để giảm thiểu lãng phí. Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng hệ thống làm lạnh tốt hơn cũng sẽ giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và những loại khí độc hại với môi trường sử dụng trong các loại tủ lạnh và hệ thống điều hòa.
Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á đã ký cam kết này.
ANTĐ thông tin, theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), đến năm 2030, mỗi giây trên thế giới sẽ có khoảng 66 tấn thực phẩm bị vứt bỏ, tương đương 30% lượng thực phẩm được sản xuất.
Tình trạng lãng phí thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn gây áp lực nặng nề đối với môi trường khi các hoạt động xả thải thực phẩm chiếm tới 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu trái đất.