Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hơn 700 nhà khoa học sẽ tham dự Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam

Ban Tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam đã được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ trên 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự hội thảo.

Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam lần thứ 5 sẽ được tổ chức 2 ngày 15 và 16/12/2016 tại Hà Nội, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.

Bên cạnh nội dung học thuật, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu; hướng tới việc quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu.

Hội thảo lần này đã đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu. Càng ngày chúng ta càng nhận rõ vai trò của công nghệ và khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.

Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học Việt Nam học lần V, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở khắp năm châu đến trình bày các nghiên cứu của mình về Việt Nam, là sự kết nối và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, ở trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40 nghìn bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Có nghĩa là các nhà khoa học trên thế giới có quan tâm đến các đối tượng nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu và giải pháp cho Việt Nam rất nhiều.

Đây là các lý do mà ĐHQGHN muốn tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.

Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cũng tự tin vì trong top 10 các đơn vị nghiên cứu mạnh về Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất đã có tên 5 cơ sở của Việt Nam, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, 3 đơn vị đứng đầu Việt Nam là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch đề ra, các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.

Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 này bố trí thành 6 tiểu ban nội dung, tập trung vào các nhóm lĩnh vực. Ban tổ chức giao cho 8 đơn vị thành viên của ĐHQGHN gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Kinh tế, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Viện Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tập hợp, tổ chức các “tiểu” hội thảo chuyên ngành này. Đây là các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín và có sự hợp tác quốc tế sâu rộng.

Hội thảo lần này tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn là.

- Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế: Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực, Ngoại giao văn hóa, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

- Nguồn lực văn hóa: Cấu trúc, dạng thức và phương thức phát huy nguồn lực văn hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa, sự phát triển của hệ giá trị Việt Nam, công nghiệp văn hoá Việt Nam, nhân cách, lối sống người Việt và các xu hướng phát triển.

- Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực: Chính sách và nguồn lực giáo dục, giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng xã hội học tập.

- Chuyển giao tri thức và công nghệ: Chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các công nghệ chiến lược của Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.

- Kinh tế và sinh kế: Kinh tế vĩ mô Việt Nam, kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, thu nhập và công bằng xã hội, môi trường, di dân, đô thị hóa, kinh tế xanh và kinh tế bao trùm.

- Biến đổi khí hậu: Đánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, chống chịu; kinh tế và các mô hình sinh kế thích ứng, đánh giá và dự báo phát thải khí nhà kính, các giải pháp, mô hình và kinh tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững.