Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.414.738 ca nhiễm và 81.259 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 72.366 và 6.701 ca so với hôm qua. 298.642 người đã hồi phục.
Mỹ thông báo 396.223 ca nhiễm, tăng 31.500 trường hợp so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.941 người chết hôm qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 12.722.
Hai nhân viên y tế chuẩn bị chăm sóc một bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện Laennec ở Saint-Herblain, phía tây Pháp, ngày 7/4. Ảnh: AFP.
Hai nhân viên y tế chuẩn bị chăm sóc một bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện Laennec ở Saint-Herblain,
phía tây Pháp, ngày 7/4. Ảnh: AFP.
Giới chức Mỹ ngày 6/4 cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khi dịch bệnh đạt đỉnh. Các chuyên gia Nhà Trắng dự đoán 100.000-240.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV, ngay cả khi người dân tuân thủ yêu cầu không rời khỏi nhà.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.267 ca nhiễm và 704 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 141.942 và 14.045. Nước này đang là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, tình trạng quá tải các nhà hỏa táng ở Barcelona cho thấy nước này cần thêm nhiều thời gian trước khi kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.
Italy ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm và 604 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 135.586 và 17.127, tiếp tục là vùng dịch nhiều người chết nhất thế giới.
Italy đã gia hạn lệnh phong tỏa vì Covid-19 tới ngày 13/4. Chuyên gia y tế nhận định các biện pháp quyết liệt của chính phủ đã có huy hiệu quả, song họ lãng phí quá nhiều thời gian trước đó, khiến nhiều người chết. Chính phủ hôm 5/4 công bố gói giải cứu kinh tế trị giá 430 tỷ USD nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng vì lệnh phong tỏa.
Pháp đã vượt Đức trở thành vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 109.069 ca nhiễm và 10.328 người chết, tăng lần lượt 11.059 và 1.417 so với một ngày trước. Giới chức Y tế Pháp hôm 5/4 yêu cầu mọi người dân tuân thủ chặt chẽ hơn nữa việc phong tỏa toàn quốc nhằm nhanh chóng giảm thiểu sự lây lan của nCoV.
"Đại dịch không ngừng lan rộng. Các số liệu đã chứng minh điều đó", Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói và thêm rằng chính phủ Pháp đã quyết định sàng lọc hàng loạt viện dưỡng lão, chiếm khoảng 27% tổng số ca tử vong.
Đức là vùng dịch lớn thứ ba 4 Âu với 107.663 người dương tính nCoV và 2.016 người chết, tăng lần lượt 4.288 và 206 so với hôm trước. Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Covid-19 là thử thách lớn nhất mà EU phải đối mặt trong lịch sử. Bà đồng thời kêu gọi châu Âu phải "tự chủ" sản xuất khẩu trang, hoặc ít nhất là "tạo ra một trụ cột trong hoạt động sản xuất khẩu trang" ở Đức hay một nước nào đó thuộc EU.
Anh ghi nhận thêm 786 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 6.159, trong tổng số 55.242 ca nhiễm. Thủ tướng Anh Boris Johnson phải vào phòng chăm sóc tích cực do tình trạng chuyển biến xấu đi sau một ngày nhập viện. Bạn gái đang mang thai của ông cũng mới được xác nhận nhiễm virus. Johnson là lãnh đạo cấp cao đầu tiên trên thế giới phải điều trị tích cực vì nCoV.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 62.589 ca nhiễm và 3.872 người chết. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 5/4 khẳng định nước này quyết không nhờ Mỹ giúp chống dịch bệnh, nhưng kêu gọi Washington dỡ bỏ toàn bộ biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Iran công bố những ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 19/2, là quốc gia chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng nề nhất khu vực Trung Đông. Trong nỗ lực ngăn virus lây lan, chính quyền quyết định cấm tất cả hoạt động đi lại liên tỉnh ít nhất đến ngày 8/4, đóng cửa hầu hết doanh nghiệp, nhưng vẫn không áp dụng biện pháp phong tỏa.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4.
Trung Quốc thông báo 62 ca nhiễm nCoV mới, trong đó 59 ca "nhập ngoại", nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 81.802.
Trung Quốc từ 1/4 bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày.
Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.963 ca nhiễm và 63 người chết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.
Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 221 trường hợp, tăng 12 trường hợp so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.738.
Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 106 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.481, nhưng chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào, đang dừng ở 6 ca.
Lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu tại Singapore bắt đầu từ hôm qua và kéo dài đến ngày 4/5, các trường học tại Singapore sẽ đóng cửa từ hôm nay. Khu vực trung tâm của Singapore được mô tả giống "thành phố chết" khi gần như toàn bộ dân cư đều ở nhà.
theo vnexpress.net