Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hồn chữ và những chuyến đi

Trong khi đọc và viết, ngẫm nghĩ, dần dần tôi hay để ý đến hồn của chữ (nhất là trong lĩnh vực thơ). Sức tiềm ẩn nổ vỡ của chữ diệu kỳ lắm; nó có sự lan truyền, lây tỏa khiến ta nhớ đến câu, nhớ đến bài tạo nên dư vang ấn tượng và ám ảnh của ý tưởng (điều mà tác giả muốn đạt đến).

 

Cố thi sĩ Tản Đà trong bài Giải sầu có hai câu hết sức ám ảnh: Sầu không có mối, chém sao cho đứt - Sầu không có khối, đập sao cho tan. Cái thực thể tinh thần ấy (sầu) nào có hữu hình như thực thể vật chất đâu (không có mối, không có khối) mà sao day dứt làm vậy, khắc khoải làm vậy! Cả cấu trúc câu được liên kết bởi các chữ (mối, khối, chém, đập) đặt trong thế giả định càng làm tăng thêm cái hoang lạnh của tâm trạng cô đơn, dẫu có được sử dụng các động từ có sắc thái mạnh (chém sao cho đứt, đập sao cho tan) cũng không làm sao nguôi ngoai được. Phải trải nghiệm trạng thái này đến độ nào của cô đơn thi sĩ Tản Đà mới bùng phát được những câu thơ như thế từ cõi thẳm sâu tâm thức nhà thơ. Chợt lan man nhớ đến ca dao cổ: Cá buồn cá trở đầu đuôi - Người buồn lên ngược xuống xuôi vẫn buồn… Đấy với đây không dây mà buộc - Ta với mình không chuốc mà say.

Gần đây, trong chuyến đi công tác Hà Giang, tôi có dịp lên Lũng Cú - Đồng Văn. Quá nửa đời người, tôi mới đến được vùng đất địa đầu Tổ quốc này. Ấn tượng đầu tiên với tôi là sự hồi nhớ thiên tùy bút nổi tiếng của cố nhà văn Nguyễn Tuân Mỏm Lũng Cú tột Bắc. Ngoài sự cảm thông đường xá hiểm trở, dốc đèo cheo leo từ thị xã Hà Giang lên Lũng Cú thuở cụ Nguyễn ra, tôi càng thấm thía lao động chữ thần tình của nhà văn rất kiệm chữ và đầy biểu cảm. Tôi lạm thử thao tác để làm rõ hơn nghĩa “Mỏm đầu Lũng Cú tột cùng cực Bắc” thấy ba chữ “đầu”, “cùng”, “cực” là thừa, không cần thiết và làm yếu đi sắc thái câu. Nhất là khi đã chứng kiến sắc thái vùng miền dữ dội của vùng cao Đồng Văn trong cái thế cheo leo “mỏm”, và “tột” của địa đầu Tổ quốc.

Và tôi càng tâm niệm: đọc đi viết tự làm mới xúc cảm ý tưởng của mình. Có những chuyến đi trở lại vùng đất ta đã từng qua, từng gắn bó bỗng gợi lên sự đối sánh khiến ta viết được trong không khí “vật đổi sao dời”. Có những chuyến đi ta ký thác được những ấn tượng, những ám ảnh ẩn náu trong tiềm thức chợt bừng lên khi được hiện thực rọi chiếu vào. Có những chuyến đi gợi mở biết bao điều ngỡ như chẳng ăn nhập gì với nơi ta đến nhưng nó vẫn là hạt nhân cho ta rộng chiều liên tưởng…

Vậy đó, trước mỗi chuyến đi lòng ta vẫn thắc thỏm bồi hồi khôn tả. Đi là trải lòng mình trên mỗi chặng đường vui buồn lo toan cùng đời sống và chuyển hóa trên từng trang viết những gì mình từng ấp ủ thiêng liêng. Đọc, đi viết trong trải nghiệm đời sống - nhu cầu tự thân chẳng có gì thay thế được, có phải không hỡi người bạn viết của tôi?