Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Hỗn loạn" ở lễ hội đầu năm: Nhiều người Việt đang bị tha hóa…

GS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển vừa có cuộc đối thoại cùng PV Báo Gia đình & Xã hội về tình trạng xô đẩy, tranh cướp khi đi chùa, lễ hội đầu năm đang diễn ra một cách đầy phản cảm.
 
Phóng viên: Từ sau tết Nguyên Đán, bên cạnh một số lễ hội diễn ra khá nề nếp thì rất nhiều lễ hội lớn đã diễn ra cảnh xô đẩy, tranh cướp, dẫm đạp lên nhau như lễ hội Chùa Hương, lễ hội cướp phết… Tình trạng đó đã có từ nhiều năm nay và cho đến bây giờ vẫn không thay đổi được nhiều. Điều đó phản ánh điều gì trong đời sống văn hóa của người Việt, thưa GS?
 
GS Đặng Cảnh Khanh: Theo tôi, tình trạng hỗn loạn đó cho thấy nhiều người Việt đang đánh mất mình. Bởi, chất của người Việt là cái chất quan hệ cộng đồng. Xưa nay người Việt nếu không sống dựa vào cộng đồng thì không sống được vì năm nào cũng lũ lụt, mưa bão…đã tạo nên một nền văn hóa tương thân tương ái, thương người như thể thương thân. Tính cộng đồng, tính liên kết đã trở thành bản sắc văn hóa của người Việt.
 
Người Việt xưa, một con gà xổng chuồng thì cả xóm vây lại bắt hộ, một nhà bị cháy trong đêm, cả làng cả xã thức dậy dập lửa. Nhưng nhìn vào lối ứng xử của người Việt ở các lễ hội hiện nay thì thấy rằng, nhiều người trong chúng ta đã bị "tha hóa" một cách đáng tiếc.
 
Sự đánh mất này thực sự vô cùng đau xót. Bởi, khi đã mất rồi thì rất khó lấy lại được. Nó giống như một bát nước bị đổ ấy, ta phải tìm cách giữ được nó, không nó sẽ tràn, sẽ đổ vỡ hết!
 
Trở lại việc hành xử nơi lễ hội hay khi đi lễ chùa của người Việt, người ta tìm cách giẫm đạp lên nhau để chuộc lợi cho mình. Nhưng họ không biết rằng, nếu có lấy được cái lộc nào đấy thì nó cũng sẽ không còn linh thiêng nữa. Vì cái thứ mà họ giằng lấy, cướp lấy là không phải là của họ mà là do sự giẫm đạp mà có.
 
 


GS Đặng Cảnh Khanh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển.
 
Có ý kiến cho rằng, tình trạng hỗn loạn tại các lễ hội, hiện tượng buôn thần bán thánh ở Việt Nam hiện nay là biểu hiện của một sự khủng hoảng về niềm tin. GS có ý kiến gì về vấn đề này?
 
Ý kiến này là chính xác. Nhiều người Việt chúng ta đang thiếu niềm tin. Người ta cũng không tin vào chính bản thân mình. Sự hỗn loạn tại các lễ hội là biểu hiện rõ nhất của sự khủng hoảng đó.
 
Con người sống cần có phải có niềm tin. Khi không biết tin vào đâu, họ sẽ phải đi tìm kiếm đến một thế lực nào đó, sẽ cầu đến một lực lượng siêu nhiên nào đó để nương tựa. Tức là người ta đang đi tìm kiếm một thứ gì đấy ngoài chính bản thân mình.
 
Đó chính là sự khủng hoảng, chính là sự đánh mất, là sự tha hóa. Tha hóa tức là anh không còn là anh nữa, không còn giữ được bản chất của anh nữa.
 
Có một xu hướng đánh giá khá phổ biến hiện nay là, con người được định giá qua số tiền mà họ sở hữu qua, qua vị trí công tác mà họ nắm giữ. Xu hướng nhìn nhận này có phải là nguyên nhân làm cho đời sống trở nên nhiều bất ổn, thưa GS?
 
Đúng vậy, hiện nay số đông công chúng vẫn nhìn nhận giá trị qua số tiền bạc và chức danh. Nguyên nhân là do chúng ta quá đề cao chủ nghĩa cá nhân. Việc nhìn nhận đó có thể gọi là sự nhiễu loạn về giá trị. Có những giá trị trước mắt chứ không phải là giá trị nhân văn, nhân bản, lâu đời nhưng đang được xem là giá trị cốt lõi.
 
Thậm chí có những thứ mà giá trị là sai lệch thì lại được coi trọng. Chẳng hạn như việc xe người ta đánh đổ hàng hóa, anh đến anh cướp được, anh xem đó như một niềm vui, xem đó là của trời cho. Điều đó cũng giống như xem việc cướp lộc ở đền, chùa. Việc xem trọng những điều đó chính là một sự nhiễu loạn các giá trị sống hiện nay.
 


Người Việt chúng ta đang thiếu niềm tin.
 
Vậy việc đánh giá giá trị của một con người dựa vào những tiêu chí nào mới là đúng đắn thưa GS?
 
Giá trị căn bản nhất của con người, thực chất có ba điều. Thứ nhất là lao động. Lao động là một giá trị căn bản, bởi có lao động mới thành con người được. Giá trị lao động dường như là giá trị vĩnh cửu, thời nào cũng vậy. Trong khi đó hiện bây giờ nhiều người họ không muốn làm nhưng họ muốn có được tài sản, tiền bạc để tiêu thụ. Cái đó đi ngược lại giá trị rất căn bản của con người.
 
Giá trị căn bản thứ 2 là để con người thành con người được thì đó là giá trị liên kết. Nếu không có liên kết thì con người sẽ trở thành bầy đàn. Con người sống bên cạnh người khác, liên kết với nhau thành xã hội. Bây giờ giá trị này cũng bị nhiễu loạn.
 
Giá trị căn bản thứ 3 đó là văn hóa, là bản sắc, là cốt cách của con người. Con người thì tính người phải cao hơn tính sinh vật. Con người không chỉ là ăn uống hay làm cái gì đó mang tính sinh vật, tính vật chất. Sự cao hơn đó chính là yếu tố về tinh thần, là đời sống văn hóa, đạo đức ở con người.
 
Vậy làm cách nào để hồi phục được những giá trị căn bản này, những giá trị văn hóa nhân bản tốt đẹp mà chúng ta đã từng có thưa GS?
 
Theo tôi nó cần phải có những ngọn lửa. Hiện nay đã có ngọn lửa, tuy chỉ là ngọn lửa nhỏ thôi nhưng điều đó là đang cho chúng ta niềm hy vọng. Ngọn lửa nhỏ đó là cái tính tình nguyện, mà cụ thể ở đây bắt đầu từ thanh niên. Bởi xã hội không phải chỉ có đồng tiền, không phải làm cái gì cũng phải có tiền, tiền không phải là trên hết.
 
Con người có thể làm cái gì đó cho người khác mà không đòi hỏi gì cho bản thân mình. Người ta có thể giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi sự trả ơn. Chính cái đấy nó sẽ lan rộng ra và cháy bùng lên trong xã hội. Cái tính tình nguyện ấy, cái ngọn lửa nhỏ ấy cần phải được ủng hộ của nhà nước, của cộng đồng, của toàn bộ xã hội thì nó mới cháy lên thành ngọn lửa có sức lan tỏa. Chúng ta cần sự tình nguyện ấy, cần ngọn lửa nhỏ ấy trong mỗi con người …
 

Xin cảm ơn GS! 

Theo Mạc Vi (thực hiện)/Giadinh.net.vn