Cơ quan chức năng quản lý không xuể
Theo quy định, việc quản lý nhà nước TPCN được giao cho Cục An toàn thực phẩm(ATTP) Bộ Y tế thực hiện. Được biết, chỉ tính riêng việc thực hiện thủ tục cấp, công bố chứng nhận chất lượng sản phẩm, đơn vị này phải giải quyết từ 7.000-10.000 đơn/năm, đó là chưa kể việc cấp công bố quảng cáo cũng do Cục ATTP cấp trực tiếp.
Để quản lý hơn 4.500 cơ sở sản xuất và kinh doanh cùng với số lượng mặt hàng TPCN và quy trình thủ tục nêu trên, Cục ATTP quản lý không xuể.
Chính vì vậy, qua kiểm tra có rất nhiều sản phẩm TPCN qui định hàm lượng một số vitamine như A, D, E, C hoặc hàm lượng khoáng chất như canxi, hàm lượng vi chất dinh dưỡng như Acid forlic hoặc axitamine như Lysine HCL… không đạt so với công bố. Nhiều sản phẩm TPCN trôi nổi trên thị trường còn không rõ nguồn gốc, thiếu tính năng, thậm chí nhái, giả.
Đó cũng là lý do, trong một báo cáo của cơ quan quản lý thị trường (QLTT) khẳng định: Việc cấp công bố chất lượng sản phẩm TPCN được thực hiện như kiểu "thấy tiếng không thấy người”, nói cách khác là chỉ xem thủ tục giấy tờ nếu đủ sẽ được Cục ATTP cấp phép, còn chất lượng thật thì hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất.
“Trên thực tế, Cục ATTP phải thực hiện thủ tục xác nhận tạm thời để hải quan tạm cho thông quan, khi đó doanh nghiệp được đưa hàng về kho chờ giám định mới được lưu hành. Tuy nhiên, chất lượng có đạt yêu cầu để là TPCN lưu thông hay không? Cục ATTP không quản lý đến tận cùng”. Trích báo cáo của Cục QLTT (Bộ Công Thương) đánh giá. Có lẽ từ sự quản lý “hớt ngọn” ấy, mà mới đây Chi cục QLTT Hà Nội đã phải lấy một loạt mẫu TPCN gửi Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định chất lượng.
Thị trường TPCN đang bị bỏ ngỏ!
Trong công văn số 121 và 122 của Viện Khoa học hình sự trả lời cơ quan QLTT Hà Nội cho biết, kết quả giám định đã phát hiện nhiều sản phẩm của Cty cổ phần Thế giới khoa học và tự nhiên ở TP.Hồ Chí Minh nhập khẩu, phân phối có chất lượng chênh lệch rất lớn so với chất lượng Cty này đã công bố với cơ quan chức năng trước đó.
Điển hình như sản phẩm Complebiol 4 Joints loại hộp 30 viên thuộc số lô 31100 HSD 09/2016, có hàm lượng glucosamin chỉ đạt 157,2 mg/viên, trong khi công bố là 250mg/viên (đạt 60% so với công bố), hàm lượng vitamin D3 công bố là 950 – 1050IU/viên, nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có 6,2 IU/viên; Hàm lượng Aflatoxin B1, B2,G1, G2 trong sản phẩm đăng ký thì rất cao, nhưng kết quả giám định thì hầu như không thấy.
Chất lượng đã “rởm” mà khối lượng mỗi viên TPCN cũng bị “bớt xén” rất nhiều. Cụ thể, như sản phẩm GENKI 9 King’s Secrets, hộp 30 viên và sản phẩm GENKI dành cho phái nữ ngoài việc không tìm thấy thành phần nhân sâm như công bố thì khối lượng mỗi viên chỉ có 310mg/viên, trong khi công bố của nhà phân phối là 784 – 959mg/viên.
Chất lượng TPCN như vừa nêu cùng với cách quản lý lỏng lẻo của Cục ATTP thì loại sản phẩm này lấy đâu ra khả năng “thần dược” trị bách bệnh như quảng cáo của các hãng sản xuất và kinh doanh TPCN?
Đáng chú ý, trong thủ tục cho lưu hành TPCN nhập khẩu, Cục ATTP cũng bỏ qua luôn quy định là phải có xác nhận thực phẩm đã sử dụng an toàn tại nước sản xuất.
Đã vậy, Cục cũng không có tiêu chí phân loại doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để cấp phép sản xuất, kinh doanh. Việc quản lý lỏng lẻo nêu trên cũng là nguyên nhân chính làm bùng nổ các loại hình sản xuất kinh doanh TPCN, khiến thị trường TPCN hỗn loạn như hiện nay.