Lễ hội đền Chiêu Trương Đại Vương núi Nam Giới
Dãy núi Nam Giới gồm cả ngọn Mộc Sơn (rú Mốc) nằm ở làng Kiều Mộc từng là địa giới phía nam của An Nam đô hộ phủ. Đỉnh Cụp Cờ được coi là nóc nhà Nam Giới với độ cao 373m so với mực nước biển quanh năm sương trắng phủ mờ. Từ đó, núi xoải dần theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, tạo nên từng mảng mây màu tối, sáng tranh chấp với mặt trời mọc, lặn câu qua mỗi ngày.
Ngọn Long Ngâm như một chiếc đầu rồng khổng lồ phủ phục dưới mép sóng tự bao đời luôn sẵn sàng thách đố bão tố, sóng thần… từ phía bể đông, che chở cho bao làng mạc được yên lành. Giông tố thời gian cứ vậy làm bào mòn từng kẽ đá, tạo nên vô số những hang động kỳ thú như hang Vẹm, hang Rùa, hang Vôi, đá trứng, đá Giường, đá Chồng, đá Vợ…
Nằm ở phía Đông Nam là ngọn Quỳnh Viên thơ mộng như chốn bồng lai tiên cảnh, gắn liền với câu chuyện cổ tích Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung từ thời vua Hùng Vương thứ 18 đã hành hương về nơi này tu hành đắc đạo. Bao trùm lấy toàn bộ mái núi phía trong là ngọn Hỏa Hiệu. Ngọn núi này cũng là nơi tập trung của hàng chục con khe suối lớn, nhỏ khác nhau.
Trước đây, vào những ngày hè trời trong xanh, đứng tại tỉnh lị Hà Tĩnh có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các suối khe trên núi, như những dải lụa trắng thật mềm mại vắt từ chỏm núi này đến chỏm núi khác, tạo thành những nét chấm phá hết sức uyển chuyển giữa sắc biếc mây trời.
Nổi tiếng hơn cả trong những dải lụa đó là khe Hươi Hươi hay còn gọi là khe Hao Hao, một trong ba con khe có nguồn nước ngọt nhất và trong lành nhất ở xứ Hà Tĩnh, gắn với câu chuyện đầy cảm xúc của thi sỹ Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu từ những năm đầu thế kỷ 20 khi ông mang một bầu nước từ trên khe núi này dong ruổi về kinh đô Huế để tặng bạn thơ.
Nam Giới còn là danh từ chung chỉ cả một vùng rộng lớn từ làng Kim Đôi, Mai Phụ, Vĩnh Tuy, Kiều Mộc, Đạm Thủy, Dương Luật đến Long Tường... (Gồm các xã Thạch Kim, Thạch Bắc huyện Lộc Hà; Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Hải và một phần Thạch Khê thuộc huyện Thạch Hà ngày nay).
Sử sách còn ghi: Chốn này không những là nơi giao tranh triền miên giữa hai hùng tộc Đại Việt và Chiêm Thành, mà còn thường xuyên xảy bao ra nạn cướp bóc loạn lạc của giặc Chà Vá, Côn Lôn, Nam Đảo từ ngoài bể đông đổ bộ vào, khiến cho máu từng chảy thành sông, xương từng chất thành núi; tiếng ta oán từng dậy đất, dậy trời
Nhưng một dấu mốc lịch sử đáng nhớ nhất liên quan đến vùng địa linh này chính là sự xuất hiện của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, người có công đánh đuổi giặc Đường năm 722 tại Nam Đàn (Nghệ An), chấm dứt hoàn toàn nạn triều cống phương Bắc. Ông sinh ra tại mép sông Cửa Sót, làng Kẽ Mõm, thuộc xã Mai Phụ ngày nay trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Tiếp đến là bước ngoặt được coi quan trọng nhất, vĩ đại nhất xuyên suốt cuộc hành trình mở mang bờ cõi của lịch sử dân tộc vào cuối thế kỷ thứ X (năm 982). Ấy là khi vua Lê Đại Hành thân chinh vào Nam Giới đánh đuổi giặc Chiêm Thành và dẹp tan nạn cướp bóc loạn lạc từng tồn tại trước đó nhiều thế kỷ, đem lại thái bình muôn thủa và xóa bỏ hoàn toàn địa gới chia cắt đất nước, mở mang bờ cõi vào đằng trong.
Nhờ đó vùng đất này càng trở nên nơi hội tụ sinh sống của các tộc người Kinh, Bồ Lô và Chiêm Thành. Không kể tộc hệ nào, họ đều rất đoàn kết đùm bọc nhau và dần dần tổ chức thành từng làng nghề: Đánh bắt, chế biến hải sản, làm muối, đóng thuyền… Ngày nay, hậu duệ của họ chủ yếu tập trung ở làng Kim Đôi, Thạch Hải và Mai Phụ.
Tương truyền: Long Ngâm là nơi long mạch của đất nước, nên vào giửa thế kỷ thứ XV hộ vệ Thượng tướng quân Tư mã Lê Khôi (cháu gọi vua Lê Lợi bằng chú ruột) vâng mệnh Triều đình cùng với Lê Thụ, Lê Khả, Lê Khắc Phục đi đánh Chiêm Thành và bắt được chúa Chiêm là Bi Cai. Trên đường trở về tới ngọn Long Ngâm, tướng quân lâm bệnh nặng và mất tại đây vào ngày mồng 3 tháng 5 năm Bính Dần (1446). Nhận được đại hung tin này, vua Lê Nhân Tông vô cùng thương xót bái triều ba ngày và sai quan quân đến Nam Giới làm lễ điếu tang, cho xây lăng mộ Lê Khôi tại đó.
Cảm sự trước công đức của Lê Khôi, nhân dân địa phương cho lập đền thờ Ngài, nay gọi là đền Chiêu Trưng Đại Vương. Hằng năm hễ vào các ngày từ mồng 2 đến mồng 3 tháng 5 âm lịch, bà con quanh vùng lại tựu về ngôi đền này lập đàn tế lễ tạ ơn che chở của Ngài. Có một điều khó lí giải là thường năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mồng một tức trước ngày kỵ Lê Khôi một ngày ở núi Long Ngâm thường xuất hiện một trận mưa rất to. Người dân địa phương gọi là mưa tắm tượng, rửa đền hay mưa mộc dục làm cho không khí lễ hội càng thêm mát mẻ.
Trải qua bao biến thiên của đất trời, bao biến cố thăng trầm lịch sử và những cuộc thiên di đầy mệt mỏi giữa các tộc người, Nam Giới như trở nên một bảo tàng thu nhỏ của các nền hóa khác nhau. Điều này được chứng minh bằng các tập tục sinh hoạt của người dân và sự tồn tại của các đền, chùa, miếu mạo với nhiều kiểu dáng kiến trúc vô cùng độc đáo.
Ngoài đền Chiêu Trưng thờ Lê Khôi, ở đây còn có đền Thánh Mẫu thờ công chúa Liễu Hạnh, Thượng Ngàn công chúa và Mẫu Thoải; đền Tam Tòa thờ Uy Minh Vương- Lý Nhật Quang; đền Cá Ông thờ thần Cá Ông; đền Tứ Vị Đại Càn thờ Tứ Vị Đại Càn thời vua Tống; đền Chúa Sơn- Sơn Thần thờ thần núi; đền Bản Thổ thờ Thổ thần; đền Mai Hoa Công Chúa thờ Công chúa Mai Hoa; đền Đức Thánh Giám thờ Đức Thánh Giám; chùa Bách Phật thờ Phật… hết sức linh thiêng!
Ngọn hải đăng trên dãy Nam Giới
Thuở nhỏ, tôi được nghe ông ngoại kể không biết bao nhiêu câu chuyện về núi Nam Giới, mỗi câu chuyện đều hết sức ly kỳ hấp dẫn đến lạ thường! Ngoài phong cảnh tự nhiên độc nhất vô nhị và bao truyền thuyết làm mê đắm lòng người, Nam Giới còn nổi tiếng về các loài hải sản và sản phẩm chế biến từ nguồn lợi tự nhiên như ruốc, nước mắm Cửa Sót; cá, mực Bãi Ngang; muối Bãi Hà…
Nhờ có ngọn Nam Giới án ngự ngoài khơi như một tấm bình phong khổng lồ che chắn bão giông, nên cả một vùng đồng bằng rộng lớn từ Lộc Hà, Thạch Hà đến thành phố Hà Tĩnh xưa nay chưa hề xuất hiện một cơn bão thật lớn nào đi qua. Mẹ tôi nói: Năm 1956, năm mẹ mang thai chị gái tôi có xuất hiện một cơn bão được coi là lớn nhất đổ bộ vào thị xã Hà Tĩnh, nhưng chỉ làm sập đổ vài chục nóc nhà tranh ven sông Cụt mà thôi!
Cũng có lẽ do vậy, mà hầu hết từ đời này đến đời khác, nhiều thế hệ người dân gốc ở thành phố Hà Tĩnh có thể vì nghèo, cũng có thể do thói quen chủ quan, nên không mấy ai làm nhà kiên cố.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gia đình tôi phải dời nhà cửa đi sơ tán nhiều nơi. Gồng gánh chạy bom đạn tới đâu, Mẹ tôi cũng không quên quảy theo đầu trôn gióng hòn đá dằn cà được bà ngoại lấy từ rú Nam Giới, thứ đá muối cà, dưa không bao giờ bị hôi cú. Hòn đá là của hồi môn duy nhất mà bà ngoại tặng mẹ tôi ngày mẹ về nhà chồng. Năm chị em trong gia đình tôi đã lớn lên theo vại cà, vại nhút của mẹ. Cho tới nay mẹ đã vô vi tôi vẫn giữ hòn đá ấy như một vật bảo bối của cuộc đời.
Tôi từng được uống, ăn và thậm chí cả được tắm nước khe Hao Hao do mẹ tôi mua của dân làng Đò chở từ Cửa Sót ngược theo sông Rào Cái về bán tại bến cầu Vồng- Sông Cụt. Nước khe Hao Hao trong, mát có vị ngọt lạ thường. Nếu dùng nấu chè xanh Hương Bộc hay nấu cơm với gạo bát, gạo cu thì càng thơm ngon ngọt tuyệt trần!
Từ quê tôi đến núi Nam Gới chỉ vào khoảng 9 km đường chim bay. Sơ đời ông cu Sửu, một trong những tay buôn nước khe Hao Hao nổi tiếng ở làng Đò- Tân Giang từng kể: Để đưa được thùng nước khe Hao Hao về thị xã Hà Tĩnh là cả một quá trình hết sức vất vả. Phải bấm từng bước chân trèo lên độ cao gần 300m mới gặp đúng mạch nước ngon nhất để lấy, nhưng hôm nào không may trượt chân đổ hết nước, coi như là công toi! Tuy vậy, theo ông trong đời vạn đò không có gì vui hơn được đem nước khe Hao Hao (lộc Nam Giới) về cho mọi nhà.
Hồi đó ở thị xã Hà Tĩnh có nhiều gia đình giàu có. Nhưng để làm thước đo cho sự sung túc sang trọng, trước hết phải tính đến nhà có nhiều chum nước khe Hao Hao. Những gia đình có hoàn cảnh tầm tầm như nhà tôi, nhà nào có được một chum nước khe Hao Hao để trước cươi (sân) là được coi như chưa phải diện đứt bữa hàng ngày.
Hơn 10 năm lại nay, nhiều tổ chức, cá nhân bất ngờ đổ xô vào khai thác đá và nguồn nước tự nhiên ở núi Nam Giới khiến trời cũng phải than, đất cũng phải thán! Tai ương bắt đầu đổ xuống nơi này bằng sự xuất hiện của Dự án nước sạch nông thôn. Với mục đích của dự án là lấy nước từ khe Hao Hao cung cấp cho các hộ dân Thạch Bàn. Nhưng do thiết kế sơ sài, thi công ẩu làm động đến long mạch, nên dự án có tổng mức đầu tư lên tới cả tỷ đồng này không những không phát huy được tác dụng, mà còn ảnh hưởng đến dòng chảy.
Tiếp đến, là sự xuất hiện dự án Su Ma và Su Da, là Dự án Nuôi tôm nước lợ do Đan Mạch tài trợ. Bà con diêm dân lại thi nhau bán hết đồng nại cho các nhà đầu tư, hy vọng quay lại làm thuê cho dự án với thu nhập ổn định. Tuy vậy, không hiểu do khai thác sử dụng nguồn nước khe Hao Hao, kết hợp với nước biển tạo ra độ nồng, độ mặn, nhạt… thế nào cho phù hợp, mà tôm cứ thi nhau chết hàng loạt?
Đến nay, vẫn nhiều người thắc mắc, không hiểu sao dự án Su Ma và Su Da vẫn được thực hiện? Trong lúc bài học nhãn tiền về Dự án Nuôi tôm trên cát của Công ty Việt- Mỹ với tổng mức đầu tư lên tới: 750 tỷ đồng, với 344 ha đất thuộc các xã kế cận giao cho nhà đầu tư để thực hiện “vai trò tiên phong” trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa ở Hà Tĩnh. Tại buổi lễ khởi công ngày 19/5/2003, chính ông Đinh Đức Hữu, Chủ tịch Tập đoàn ATI, Chủ đầu tư dự án từng tuyên bố: “Đây là dự án lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay ở lĩnh vực này. Chúng tôi coi đây là sự đền đáp công lao to lớn đối với một vùng quê giàu truyền cách mạng. Tương lai không xa, vùng bãi ngang này sẽ thành một điểm nhấn quan trọng về kinh tế, văn hoá và du lịch của Việt Nam”.
Thế nhưng, sau khi thực hiện gia đoạn đầu, hơn 80% diện tích đất sản xuất của vùng dưới các xã Thạch Lạc, Thạch Trị huyện Thạch Hà với bán kính trên 8km, nơi có tuyến kênh mương dẫn nước từ biển vào và dẫn nước thải từ các ao tôm ra đã bị nhiễm mặn hoàn toàn nên ruộng đồng cày cấy bao đời của người dân bỗng chốc bỏ hoang. Trớ trêu thay, sau một gian tung hô chủ đầu tư đã lặng lẽ rút lui lúc nào không ai biết, món nợ ngân hàng được tỉnh ưu ái cho vay bao nhiêu cũng chẳng ai hay?
Mất nghề muối, nghề nông, bà con đành phải rủ nhau lên núi kiếm kế sinh nhai bằng nghề khai thác đá mong kiếm gạo qua ngày. Thấy được nguồn đá cũng như nguồn lao động ở đây dồi dào các nhà thầu đã đổ về hợp thức các mỏ đá, dùng phương tiện máy móc hiện đại khái thác ồ ạt làm ngọn Nam Giới bị biến dạng một cách chóng mặt.
Ông Nguyễn Đình Trung xuất thân từ địa phương, ông hiểu hơn ai hết mọi tai ương nơi này đều có thể xuất phát từ sự giận hờn của ngọn núi! Vậy mà, vì kế mưu sinh ông cũng không bước ra nổi mối ràng buộc áo cơm đó, để cuối cùng thân mình lại bị vùi dưới đá trong lúc ông đang đánh mìn phá đá.
Cái chết của ông Nguyễn Đình Trung như một bức thông điệp nhắn tới mọi người rằng: Tai họa sẽ còn tiếp diễn!.. Nhưng ai ngờ, nó lại đến quá nhanh và quá tang thương, khi vào một buổi chiều cuối đông năm 2007, bảy nữ phu đá khác sắp sửa rời mỏ về ăn bữa tối với chồng con thì bất ngờ hàng chục ngàn mét khối đá từ trên cao ào ào đổ xuống, trong giây lát vùi lấp lấy họ.
Sau cái chiều khủng khiếp ấy, chính quyền đia phương và các cơ quan chức năng đã tiến hành cho thu hồi giấy phép, ngừng tất cả mọi hoạt động khai thác kinh doanh đá ở khu vực Nam Giới. Tuy vậy, một bi kịch khác lại xảy ra là khi các mỏ đá bị ngừng hoạt động cũng đồng nghĩa với mọi ngả sống của người dân ở đây coi như chấm dứt. Những xóm làng dưới chân núi nhanh chóng trở nên trống trơ hoang lạnh trước sự quay quắt trở lại của đói nghèo!
Nhận thấy điều đó, nhiều tổ chức đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng một số đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn; đào tạo hỗ trợ xuất khẩu lao động… Tiếc rằng vì nhiều lý do nên hiện tại chưa có đề án nào đem lại hiệu quả!
Trong lúc chưa kiếm được cái “cần câu” thì bất ngờ các mỏ đá lại được khởi động trở lại với lý do: “Cho phép khai thác tận thu vì đằng nào cũng ảnh hưởng tới dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê”. Biết rằng, sẽ vô cùng phiêu lưu mạo hiểm, nhưng như người sắp chết đuối vớ được phao, dù chiếc phao nhỏ giữa đại dương đầy giông tố thì dẫu sao còn có chỗ để mà bấu víu! Một lần nữa, bà con lại đổ xô vào vòng mưu sinh đầy luẩn quẩn ấy nơi vách đá.
Theo tính toán của một chủ đầu tư mỏ đá: “Trung bình mỗi ngày các mỏ đá trong khu vực khai thác được gần: 3.000 m3 đá”. Nếu so với tốc độ khai thác như hiện nay thì mỗi năm phải có trên 1 triệu m3 đá bị bóc khỏi núi. Và như vậy thì trong tương lai gần, một hòn đá dằn cà cũng khó có thể kiếm ra, chứ chưa nói đến hậu họa còn khôn lường tới đâu?
Gần đây, ở núi Nam Giới còn xuất hiện thêm nhiều hoạt động kinh doanh khác. Trong đó có khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên, một công trình không mấy khả thi nhưng tác hại thì đã có. Lý do là nhà đầu tư đã bạo tay thuê máy móc dời đặt lại những tảng đá nặng hàng chục tấn, và tùy hứng nắn dòng chảy nguồn nước từ các con khe theo hệ thống ống dẫn bằng nhựa với ý tưởng tạo cảnh quan hấp dẫn cho khu lịch. Nhiều di tích danh thắng nổi tiếng và chốn linh thiêng đã yên vị hương khói từ ngàn đời bỗng được “bàn tay trần thế” làm xáo trộn. Trong đó, đưa vào khai thác sử dụng động Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử về tín ngưỡng của Việt Nam). Tiếc rằng, động “Đệ nhất thập nhị bát cảnh” này vô tình trở thành nơi chất đầy vỏ chai vỏ hộp làm cho môi trường càng thêm uế tục.
Nam Giới có diện tích gần: 600 ha nằm độc lập tách rời khỏi dãy Trường Sơn và Hồng Lĩnh. Núi có một vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng xuyên suốt quá trình lịch sử. Đặc biệt, thời chống Mỹ các đơn vị chủ lực phối hợp với dân quân địa phương các xã lân cận đã đánh chìm nhiều tàu chiến của địch từ ngoài khơi, tổ chức bắt sống nhiều toán biệt kích đổ bộ vào đất liền; bắn rơi hàng chục chiếc máy bay và chặn đứng các đợt pháo tập kích từ hạm đội 7 của Mỹ…
Hơn 20 năm trước trên núi còn là nơi sinh sống lý tưởng của các loài khỉ, sơn dương, trăn, rắn…Do nạn săn bắn và khai thác bừa bãi nên hầu hết các loài động vật ở đây đã bị tuyệt diệt. Nếu tiếp tục bị khai thác như hiện nay thì trong tương lai ngọn núi bị biến dạng làm mất đi vị trí tiền tiêu. Và toàn bộ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cùng với hệ thống sinh thái ven biển cũng theo đó biến mất.
Hiện nay đại đa số ngư dân trong vùng còn giữ được tập tục mỗi khi ra khơi, vào lộng thường lên núi làm lễ tế thần linh. Sau đó không quyên mang theo những hòn đá làm neo, hay buộc vào người để lặn bắt dưới đáy biển, và chở theo những thùng nước khe Hao Hao để sinh hoạt dài ngày.
Có thể nói, đá và nước Nam Giới bao giờ cũng liên quan đến bất cứ mọi sinh hoạt nào của người dân nơi đây, và luôn thầm mách bảo cho họ những điều gì họ cần phải làm.
Trước mắt, hơn 4.000 hộ dân trong vùng đang chuẩn bị cho cuộc đại di dời tái định cư do nằm trong vùng quy hoạch tổng thể Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Bước đầu, bà con rất vui vẻ hồ hởi, nhưng ai cũng mong rằng, núi Nam Giới nơi hương khói trao đổi tâm linh của họ từ bao đời nay sẽ không bao giờ bị thay đổi hình dáng như cái tâm người Nam Giới vốn tự ngàn xưa.
Nắng chiều dần chùng xuống, núi càng nghiêng mình hắt bóng dưới rặng chân chiều như nói lên bao điều oán trách!.. Tiếng mìn, tiếng khoan lẫn tiếng búa vẫn vang lên lở đất, long trời! Đáp lại lời khẩn cầu của hồn thiêng ngọn núi chỉ còn lại những cánh hải âu thờ ơ bay lượn, và từng đợt sóng buồn vô vọng vỗ về một cách mệt mỏi từ phía biển khơi!...