Hội thảo có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...Hội thảo có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Đây là hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là với các dự báo trong năm 2023 và những năm tới, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Thứ trưởng mong muốn tại Hội thảo này, các đại biểu, học giả, chuyên gia, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch đóng góp ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững trong tương lai. Hội thảo cần tập trung một số nội dung như: Kế hoạch, định hướng của Hàng không trong việc kết nối đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế. Giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành Hàng không và Du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính cắt giảm quy trình thủ tục phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh phát triển.
Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã trình bày thảo luận về việc: Hợp tác hàng không- du lịch: Mở cửa bầu trời, kết nối các đường bay quốc tế; Kinh nghiệm quốc tế phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; Đề xuất các giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để thu hút khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm; Tăng cường quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tới khách quốc tế sau dịch Covid-19; Cơ chế đặc thù, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không phục hồi; Hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không để phục hồi du lịch.
Trong Phiên thảo luận trực tiếp do PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam điều phối, các diễn giả, đại biểu làm rõ thực tế Thu hút khách quốc tế ở các địa phương và giải pháp của địa phương để thu hút khách; Xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới; Quảng bá xúc tiến du lịch tới đối tác trong và ngoài nước; Tìm kiếm thị trường mới; Xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm; Xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh...
Hội thảo đã nhìn nhận bức tranh tổng thể của ngành Du lịch và Hàng không của Việt Nam trong những năm qua; dự báo về cơ hội và thách thức trong thời gian tới, từ đó đưa ra giải pháp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các không trong nước, kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường, hướng tới thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Hội thảo lần này là cơ hội quý báu để các đại diện cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển bứt phá trước những cơ hội lớn sắp tới. Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp. Qua đó, ngăn chặn, xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch quốc tế.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm đã nêu quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm bớt những quy trình thủ tục rườm ra, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch phát triển.
Đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, hạn chế tối đa tình trạng các cá nhân, đơn vị xâm phạm đến tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng khách du lịch Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với sự nhận định của các chuyên gia, chia sẻ thẳng thắn của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, doanh nghiệp vận tải đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, Hội thảo kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, nút thắt đang gặp phải của các hãng hàng không, các hãng lữ hành trong nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến; hình thành các sản phẩm hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.