Với diễn xuất tinh nghịch và trong trẻo của các em trường Amsterdam, vở diễn vốn đã tạo được dấu ấn ở trời tây, nay lại tiếp tục chinh phục khán giả Thủ đô. “Ngày xưa” công diễn đúng vào đêm Trung thu Hà Nội với vô vàn lựa chọn giải trí phá cỗ đêm trăng, nhưng buổi diễn ở 24 Tràng Tiền không vì thế mà mất đi sức “nóng”. Cả khán phòng đông nghịt không còn chỗ ngồi, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười bởi được các diễn viên nhí thổi bùng lên, qua diễn xuất đầy lửa của mình.
Khán giả Thủ đô hào hứng với vở kịch ngay từ những phút đầu tiên
Tham dự Festival tại Pháp lần này, vở diễn “Ngày xưa” được đánh giá khá cao cả về chất lượng diễn xuất, kịch bản cũng như trang phục đơn giản mà đậm chất Việt nam. Điều đặc biệt là dàn diễn viên không chuyên này đều ở độ tuổi 17, trẻ thơ, hồn nhiên trong cách diễn.
Các yếu tố vui nhộn bổ sung vào vở kịch cho thấy đạo diễn khá hiểu lứa tuổi 17, tạo nên không khí vui tươi, hóm hỉnh đúng lứa tuổi học đường nhưng vẫn đủ sức chuyển tải các thông điệp của vở diễn, khiến khán giả khó tính nhất cũng phải hài lòng.
Khá bất ngờ với những cung bậc của vở diễn, 4 màn kịch, không có nút thắt hay cao trào, đạo diễn chỉ dẫn nhịp hài hước khi cần, để đủ duyên cuốn hút khán giả, nhưng lớp kịch cuối tiết tấu chậm lại, mênh mang tình người.
Đó là "Sự tích trầu cau" được các em diễn xuất khá sâu lắng, tạo được những xúc cảm tha thiết về tình anh em, nghĩa vợ chồng sắt son bền chặt. Những xung đột âm thầm trong cuộc sống, sự ích kỷ của tình yêu khiến người ta chỉ bàng hoàng nhận ra, khi nỗi đau mất đi người em ruột thịt, để rồi cái chết cũng là sự bắt đầu cho tích trầu cau “nếu phải duyên nhau thì thắm lại”. Để bao đời nay, người dân đất Việt vẫn quết miếng trầu cau, têm cánh phượng hồng ngày cưới, để miếng trầu là đầu câu chuyện, khéo léo, ý nhị về hình ảnh một dân tộc trải qua bao thăng trầm lịch sử, vẫn luôn tôn quý sự thủy chung, trọng nghĩa trọng tình…
Dàn diễn viên không chuyên diễn xuất rất... chuyên nghiệp
Kịch bản lựa chọn 4 truyền thuyết, cổ tích khá đắt của VN để tái hiện hình ảnh đất nước con người Việt từ thuở hồng hoang cho đến ngày 54 dân tộc anh em phát triển rực rỡ như ngày nay, đều là con Lạc cháu Hồng, vẫn chảy trong tâm hồn Việt tình yêu đất nước và nghĩa tình sâu đậm như “Sự tích trầu cau” kia.
Đấy là 4 câu chuyện dân gian: Chuyện quả bầu, Con Rồng cháu Tiên, Sự tích cây nêu ngày Tết và Sự tích trầu cau. Vở kịch gồm 4 hồi tương đương với 4 truyện, kể về sự hình thành của Đất, Trời, Tự nhiên, Con người… Nội dung của các câu chuyện được giữ nguyên bản với nhiều hình tượng kì ảo đậm chất cổ tích như Quỷ, Cáo chín đuôi, các vị thần thánh… nhưng hai thầy cô giáo kịch nghệ người Pháp Quentin Delorme và Marianne Seguin vẫn thổi hồn đương đại vào các câu chuyện dân gian để các em diễn xuất sinh động, tự nhiên và để xuyên suốt 4 hồi kịch là không khí của 54 dân tộc anh em được thể hiện qua trang phục, đạo cụ đầy sức thuyết phục.
Diễn xuất tự nhiên, nhưng nhiều cảm xúc
Khán giả đến với đêm diễn tại Hà Nội khá đa dạng, gồm khán giả Hàn Quốc, Pháp, họ đều cổ vũ nhiệt tình, và bày tỏ thích thú về diễn xuất của các diễn viên nghiệp dư đến từ hai lớp Pháp 1, Pháp 2 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam niên khóa 2013-2016 này. “Tôi bất ngờ vì đạo diễn và các em nhỏ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục, đạo cụ, từ tấm vải lụa, gậy tre, đến chiếc khăn vấn đầu, trang phục dân tộc Dao… Các em đã đem đến vở kịch nói khá hấp dẫn, dễ xem”, một khán giả Hàn Quốc bày tỏ.
Hình ảnh Lạc Long Quân, Âu Cơ qua lối diễn trong trẻo của các em vì thế trở nên dễ gần; sự tích bọc trăm trứng thêm phần vui nhộn. Và sự tích trầu cau khép lại vở diễn như dấu lặng, đằm lại trong lòng người xem, khiến thông điệp về tình yêu, tình người, sự bình đẳng… có sức nặng một cách bất ngờ. Đạt được điều đó, đòi hỏi độ chín về cảm thụ hình tượng văn học của các em.
Vì thế, những cô bé cậu bé trường Amstecdam ở tuổi 17, đã không chỉ kể chuyện, mà còn gửi gắm một thông điệp thật ý nghĩa: Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh ra từ một mẹ một cha, đều phải được tự do, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải luôn cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi gian nan, cùng nhau chia sẻ niềm vui mừng và hạnh phúc.
Vào vai rất... ngọt
Những câu chuyện cổ tích trong vở “Ngày xưa” được chuyển thể thành những vở kịch ngắn mà nội dung đầy đặn, tiết tấu linh hoạt, tạo nên một tổng thể hài hòa. Ở đó các diễn viên đã diễn xuất hết mình, lôi kéo cả khán giả cùng chủ động tương tác tham gia vào cuộc vui trên sân khấu.
Thành công mà vở diễn có được tại Festival “Kịch nói trẻ châu Âu” lần thứ 27 tại Pháp hoàn toàn không có gì bất ngờ, với một kịch bản mộc mạc song đầy đặn về cấu tứ, diễn xuất tưởng như hồn nhiên đấy nhưng rất đằm, chuyển tải được những thông điệp sâu sắc vốn đang là vấn đề quan tâm toàn cầu hiện nay. Đâu chỉ là những câu chuyện “Ngày xưa”, các em đã đem đến hơi thở của thế sự, của những vấn đề nóng bỏng toàn cầu.
Đoàn kịch đón nhận sự chúc mừng của đông đảo khán giả.
Hai thầy cô giáo kịch nghệ người Pháp Quentin Delorme, Marianne Seguin và cô Đỗ Hồng Vân, trưởng môn tiếng Pháp, trường PTTH chuyên Hà Nội Amsterdam cùng đoàn kịch chụp ảnh lưu niệm sau buổi diễn.
Trong gần 30 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên Festival “Kịch nói trẻ châu Âu” lần thứ 27 tại Pháp có sự tham gia của một đoàn kịch đến từ châu Á, đặc biệt hơn nữa còn là đoàn kịch có nhiều thành viên nhỏ tuổi nhất. Trong vòng gần 2 tháng, 13 thành viên đoàn Thăng Long đã dốc sức chuẩn bị vở kịch mang đậm bản sắc dân tộc “Ngày xưa” dàn dựng bởi hai thầy cô giáo kịch nghệ người Pháp Quentin Delorme và Marianne Seguin. Đến với Festival tổ chức bởi Créarc (Trung tâm Sáng tạo, Nghiên cứu và Văn hóa, đồng thời là Trung tâm Kịch nói trẻ châu Âu) tại Grenoble, Pháp, Đoàn Kịch Thăng Long đã tạo nên một sự khác biệt gây chú ý khi đem tới một vở diễn đậm chất Việt mang tên "Ngày Xưa" và đã tạo nên một điểm nhấn, một dấu ấn riêng, độc đáo cho Festival kịch lần này. |