Ông Hồ Quang Hưng - Giám đốc Hult Prize Việt Nam (người đứng bên phải) và MC Đỗ Phương Thảo cùng các đại biểu tại buổi phát động cuộc thi.
Hult Prize - Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp
Giải thưởng Hult là một chương trình hợp tác của Quỹ Clinton Global Initiative của Cựu tổng thống Bill Clinton, là cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp lớn nhất thế giới dành cho sinh viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ muốn khởi nghiệp.
Trong cuộc thi Hult Prize, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tạp chí Time sẽ chọn 1 trong 6 ý tưởng xuất sắc nhất tại vòng chung kết toàn cầu có khả năng thay đổi thế giới. Cuộc thi hằng năm của giải thưởng Hult nhằm phát hiện và khơi mào cho những ý tưởng kinh doanh có tính thuyết phục cao. Từ khoảng 10.000 hồ sơ đăng ký dự thi mỗi năm, sẽ chỉ có 1 đội nhận được giải thưởng 1 triệu USD hỗ trợ, cùng những lời khuyên bổ ích đến từ cộng đồng kinh doanh quốc tế.
Những chia sẻ hữu ích
Tại cuộc thi Hult Prize Vietnam, chúng tôi đã gặp một số đại biểu và được chia sẻ nhiều suy nghĩ bổ ích:
GS Hà Tôn Vinh: Người tị nạn là vấn đề toàn cầu, không chừng chúng ta cũng có thể trở thành người tị nạn trong tương lai vì biến đổi khí hậu, vì thảm họa môi trường, vì lũ lụt, mất đất canh tác… Ở nước ta, đã và đang có nhiều người di dân ngoài ý muốn. Tất cả những điều đó được Hult Prize đặt lên hàng đầu, bởi mỗi nước đều có vấn đề của mình, và những người di dân không tự nguyện đó đều có khả năng trở nên thành đạt. Hult Prize được đưa vào Việt Nam bản chất là vực dậy những tài năng khởi nghiệp, phục vụ cho cộng đồng ở Việt Nam trước.
Ông Hồ Quang Hưng - Giám đốc Hult Prize Việt Nam: Từ năm 2013, Hult Prize đã có những đội thi Việt Nam đạt điều kiện vào vòng thi bán kết khu vực châu Á ở Thượng Hải. Từ đó đến nay, các bạn sinh viên đã tiếp cận được thông tin của giải thưởng này, nhưng các em chưa chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng khi đi thi. Vậy, làm thế nào giúp các em thành công? Lời khuyên là: Các em vượt qua các vòng bán kết thì không nên là ý tưởng trên giấy, cần hiện thực hóa ý tưởng đó bằng sản phẩm. Nếu ý tưởng đó là mô hình doanh nghiệp thì cần có một số mô hình, phải có doanh nghiệp hỗ trợ và phải có sản phẩm mới đủ sức thuyết phục.
Từ tháng 10 hàng năm, khi Hội đồng Hult Prize đưa ra chủ đề và 1 năm là thời gian để hiện thực hóa từ ý tưởng đến dự án. Ban giám khảo Hult Prize muốn xem xét doanh nghiệp xã hội đó sẽ lan tỏa ra cộng đồng thế nào, để hỗ trợ dự án đó phát triển ra toàn cầu.
Để đưa được tiêu chí và môi trường về Việt Nam thì chúng ta giống như đứng trên lưng người khổng lồ. Do đó, chúng tôi muốn vận động cộng đồng doanh nghiệp giúp các em sinh viên hình thành ý tưởng một cách nhanh chóng, khả thi, để vượt qua mỗi vòng ở cấp độ cao hơn. Mong rằng, năm nay sẽ có ít nhất 2 đội của Việt Nam có dự án khả thi đi cùng với doanh nghiệp, được thuyết trình ở vòng bán kết khu vực. Nếu vượt qua, các đội sẽ được gặp Bill Clinton. Hi vọng, với cách làm mới, sẽ có một số doanh nghiệp khác biệt và bùng nổ.
MC Đỗ Phương Thảo - Đại sứ Hult Prize Vietnam: Với vai trò đại sứ, là cầu nối, tôi muốn lan tỏa đến nhiều sinh viên thực hiện ước mơ, khát khao cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Được góp sức vào cuộc thi này, tôi thấy rất vinh dự. Các bạn sinh viên có nhiều ý tưởng, nhưng chưa biết cách thể hiện trình bày ý tưởng với ban giám khảo, tôi sẽ giúp đỡ các bạn cách làm thế nào để thuyết trình tốt nhất. Tôi cam kết sẽ dốc tâm sức, tạo ra một làn sóng mới của những sinh viên, những người khởi nghiệp ở Việt Nam và tin rằng dựa vào kinh doanh, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề cả thế giới đang đối mặt. Hi vọng, mỗi người chung tay góp một chút để có nhiều dự án tốt, tạo những điểm sáng để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam.
Chủ đề của cuộc thi Hult Prize năm 2016 là: “Refugees - Reawakening Human Potential” (Tạm dịch: Đánh thức khả năng tiềm ẩn – Cơ hội cho những người dân tị nạn). Vòng 1 của cuộc thi tại Việt Nam diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chọn được 15 đội thi bước vào vòng 2 sẽ diễn ra ngày 28/12. Ngày 28/12 sẽ diễn ra vòng 2 và BTC Giải thưởng Hult Việt Nam sẽ chọn ra 3 đội để vào vòng bán kết khu vực ở Thượng Hải, chọn ra các đội thi chung kết vào 12/1/2017.
Nhóm Wild giành giải Nhất Hult Prize 2016 tại Việt Nam.
Người dự thi: Hướng đến những ý tưởng vì cộng đồng
Với dự án không gian làm giàu “The Enrichment Space” kết hợp không gian sống và sản xuất được tận dụng từ container cũ, vừa bảo vệ môi trường vừa tăng gấp đôi thu nhập cho người nghèo đô thị, Nhóm Wild đã giành giải Nhất Hult Prize 2015 tại Việt Nam, trị giá 70 triệu đồng. Nhóm gồm 4 sinh viên: Phạm Ngọc Thái Hoàng, Nguyễn Thị Ái Trang, Trần Anh Tùng, Võ Thị Thương ở CLB Kỹ năng doanh nhân, Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 TP.HCM. Không gian này được sử dụng vừa làm chỗ ở, vừa kết hợp làm nơi trồng cây thủy canh. Từ đó tạo nên một cộng đồng mạng lưới ngành công nghiệp xanh, nước thải từ sinh hoạt của các hộ dân ở khu nhà ở được lọc sạch và biến thành nước tưới cho cây xanh ở khu sản xuất kế bên. Hy vọng dự án nhà container này có thể giúp giải quyết được tình trạng nhà ở vùng lũ lụt, giúp những người di cư không tự nguyện thoát khỏi nỗi lo mất nhà khi mùa bão đến.
Sinh viên Phạm Ngọc Thái Hoàng chia sẻ: Các em rất hứng khởi khi học về lĩnh vực trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, và hiểu rằng, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, ngoài yếu tố kinh tế, không thể tách rời yếu tố môi trường. Đó cũng là ý tưởng để Nhóm Wild thực hiện dự án này, nhằm giải quyết được nhiều việc làm và chỗ ở cho người nghèo, vừa tạo thành khu phức hợp vừa ở vừa sản xuất, đảm bảo ngôi nhà có tính thẩm mỹ, cách nhiệt và di chuyển được. Dưới góc độ sinh viên mới tốt nghiệp, được tham dự cuộc thi Hult Prize, em đã trưởng thành hơn về tư duy và cuộc sống, tìm ra con đường đi cho mình, và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Hồng Nga/Tạp chí GĐ&TE