COC - VN: Nâng cao vị thế, thương hiệu của DN
Để giúp DN có đủ những điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững nêu trên, Hiệp hội đã chọn phương pháp tiếp cận bằng việc xây dựng và vận động DN thực hiện bộ quy tắc ứng xử dùng cho các DN đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (CoC-VN). Đây là bộ quy tắc được xây dựng dựa trên cơ sở: Luật pháp Việt Nam, các công ước, tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Nó không thay thế văn bản pháp luật, nhưng lại hàm chứa mọi yêu cầu cốt lõi của luật pháp (Việt Nam và quốc tế).
Ở góc độ tuân thủ pháp luật thì đi từ pháp luật đến xây dựng, thực hiện CoC-VN chính là quá trình biến “cái bắt buộc” thành “cái tự nguyện”: DN tìm thấy ở CoC-VN là công cụ hữu ích để CBNV của mình thực hiện tốt hơn quy định của pháp luật; Ở góc độ xây dựng uy tín, thương hiệu DN, thì CoC-VN là chuẩn mực nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức, như một ISO chuyên ngành của DN. Nội dung cơ bản của CoC-VN được thực hiện ở 12 nhóm quy tắc, với 56 nguyên tắc cụ thể, bao trùm toàn bộ quy trình XKLĐ. Để đánh giá việc thực hiện của DN, Hiệp hội đã ban hành cơ chế giám sát đánh giá, bao gồm: Quy trình, thủ tục giám sát, đánh giá; Thu thập, kiểm chứng, thông tin; Bộ công cụ (các bảng điểm để đánh giá) và hoạt động của Hội đồng giám sát đánh giá. Theo cơ chế này, sau khi được chấm điểm, DN được xếp hạng theo số sao: 5 sao, 4 sao, 3 sao... và công bố công khai cho đối tác nước ngoài, trong nước và NLĐ biết. Sau năm đầu thí điểm ở 20 DN, tăng dần qua các năm và năm nay đang triển khai đánh giá xếp hạng 88 DN.
TS Nguyễn Lương Trào tại hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Tư vấn khu vực về bảo vệ lao động di cư.
Việc thực hiện CoC-VN và xếp hạng đánh giá DN đã đem lại tác động tích cực đến nâng chất lượng uy tín của DN. Nhiều DN có tiến bộ rõ rệt trong hoàn thiện quy chế, hoạt động theo chuẩn mực của CoC-VN. Ông Max Tunon, Điều phối viên Dự án Hành động ba Bên bảo vệ lao động di cư của ILO nhận xét: “Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã áp dụng thành công Bộ Quy tắc Ứng xử cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Những kinh nghiệm của Việt Nam có thể trở thành một mô hình tốt cho khu vực noi theo”.
Để giúp DN nâng cao chất lượng, đào tạo, giáo dục định hướng cho NLĐ trước xuất cảnh, Hiệp hội đã nghiên cứu xây dựng các bộ bài giảng điện tử có hình ảnh minh họa dùng cho giảng viên của DN; Đồng thời, biên soạn và ban hành cuốn cẩm nang những kiến thức cần thiết trang bị cho NLĐ theo từng thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Ả rập Xê út, Libya...
Hiệp hội cũng đã tổ chức tập huấn cho giáo viên các DN về sử dụng các bài giảng định hướng này, nhằm khuyến khích và thúc đẩy DN quan tâm đến chất lượng đào tạo NLĐ. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã bám sát thông tin và tình hình diễn biến thị trường lao động ngoài nước, tư vấn đối sách, giải pháp cho DN và tham gia góp ý với Cục Quản lý LĐNN, với Bộ LĐ-TB&XH nhằm tháo gỡ khó khăn, củng cố, ổn định và phát triển thị trường. Ngoài ra, Hiệp hội hợp tác chặt chẽ với ILO trong xây dựng và thực hiện dự án hành động ba bên bảo vệ lao động di cư và trong triển khai hoạt động giám sát, đánh giá DN thực hiện CoC-VN; Tham gia trao đổi kinh nghiệm về CoC-VN tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, với các nước thành viên ASEAN...
Hiệu quả lớn khi DN thực hiện COC- VN
Thời gian qua, số lao động đưa đi tăng hàng năm; quyền lợi của NLĐ cơ bản được bảo đảm. Tổng hợp số lao động xuất cảnh của 153 DN thành viên Hiệp hội năm 2016 chiếm trên 71% so với tổng số lao động xuất cảnh của 270 DN được cấp phép hoạt động. Đồng thời, ngày càng có nhiều hơn số DN quan tâm thực hiện đầu tư bài bản để nâng cao chất lượng hoạt động kể cả về cơ sở vật chất cho đào tạo lao động, phần mềm quản lý đào tạo, quản lý lao động, chăm sóc khách hàng, cơ cấu và đào tạo lại CBNV, nhất là các DN đang tham gia thực hiện CoC-VN.
TS Nguyễn Lương Trào tập huấn cho CBNV Cty TTLC về COC- VN và các công ước quốc tế liên quan đến hoạt động XKLĐ.
Năm 2016 đã có gần 20 kinh nghiệm, thực tiễn tốt trên các hoạt động khác nhau được các DN chia sẻ khi thực hiện có kết quả các nguyên tắc của CoC-Việt Nam. Trong đó có thể kể đến một vài DN như Esuhai đã thực hiện tốt việc giáo dục mục tiêu cho NLĐ trước xuất cảnh, làm cho NLĐ nhận thức được mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian ở Nhật Bản phấn đấu học tập để biến mình thành người có kỹ năng, phẩm chất toàn diện để phát triển cuộc đời, tương lai, nghề nghiệp lâu dài sau khi về nước. Công ty này cũng có mô hình quản lý, hỗ trợ tốt NLĐ tại địa bàn Nhật Bản, và tư vấn, đào tạo bổ sung, giới thiệu việc làm cho họ sau khi kết thúc hợp đồng về nước. Nhiều NLĐ qua Esuhai đã có việc làm với các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ cao trong các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Cty LOD với kinh nghiệm trong lựa chọn đối tác, đơn hàng có độ tin cậy cao, bảo đảm tốt lợi ích cho NLĐ cùng với chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo LĐ trước xuất cảnh. Các Cty ADC, Techsimer, Hoàng Long CMS, Hải Phong, Thuận Thảo, TIC và nhiều Cty khác đã đưa ra kinh nghiệm tốt trong hoàn thiện cơ chế, quy trình quản lý trong từng khâu như áp dụng phần mềm quản lý đào tạo, quản lý lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý. Quy định cơ chế khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ ngoại ngữ, thiết lập đường dây liên lạc, đối thoại thường xuyên giữa NLĐ, gia đình, DN và đối tác, nhằm xử lý kịp thời mọi vướng mắc, xây dựng lòng tin giữa các bên.
Vượt qua thách thức để phát triển bền vững
Hoạt động XKLĐ của các doanh nghiệp trong năm qua còn thấy những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua như: Nguồn lao động có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước hạn chế; Số lượng DN mới tăng quá nhanh; Biến động chính sách của một số thị trường tiếp nhận lao động (Đài Loan); Thị trường thu nhập thấp (Malaysia, Trung Đông...) khó tuyển nguồn lao động, lượng xuất cảnh hàng năm thấp; hoạt động của các Ban chỉ đạo XKLĐ ở không ít địa phương kém tác dụng, cả về chính sách khuyến khích, hỗ trợ NLĐ và phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển nguồn lao động.
Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó: mở rộng hơn nữa quy mô doanh nghiệp tham gia thực hiện Bộ quy tắc COC-VN, Hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị đánh giá và xếp hạng 88 DN tham gia đợt xếp hạng lần thứ 4.
Qua đó Hiệp hội sẽ rút kinh nghiệm và đề ra những nội dung, giải pháp cụ thể hơn để việc đánh giá, xếp hạng các DN trong năm tới có tác động tích cực.
Đồng thời củng cố và phát huy hơn nữa các Ban thị trường hiện có nhằm tạo được tiếng nói chung của cộng đồng DN trong phạm vi cung ứng lao động tại một thị trường cụ thể. Hướng tới sẽ thành lập Ban thị trường Ả rập Xê út trong lĩnh vực giúp việc gia đình; Tổ chức tập huấn các doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước nhằm trang bị có hệ thống các kiến thức pháp luật trong và ngoài nước liên quan tới XKLĐ để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.