Cuối xuân đầu hè đã hương nhài. Nơi góc vườn, cụm nhài to thật to như mọc lên từ đời ông bà cụ kỵ rất lâu rồi, cứ thế lớn lên, chi chít cành nhánh và bất ngờ bung nở từng chùm thơm tinh khiết, trắng trong. Tôi hỏi bố cây nhài có tự bao giờ? Bố cười bảo, khi bố còn bé tí đã thấy cụm nhài ở đó. Mỗi khi tôi bị ấm trán, mẹ lại ra vườn tuốt một nắm lá nhài to, rửa sạch đem giã lấy nước cốt, hòa chút muối chút đường vào để tôi uống, còn bã lá thì bọc vào chiếc khăn mùi xoa, đắp lên trán một lúc là hạ sốt. Thỉnh thoảng, vào nửa đêm, thấy con vện nhà tôi sủa khẽ, nghe bước đi qua sân nhè nhẹ lách vào vườn, mẹ lại bảo chắc có đứa nào bị sốt…
Ở nhà tôi, mỗi buổi sáng, trẻ con, dẫu đi học vào buổi chiều, thì cũng thức dậy từ khoảng 6h, tự làm vệ sinh cá nhân, sau đó quét nhà, rửa bộ ấm chén sạch sẽ, úp ngay ngắn. Mỗi khi hoa nhài nở, bố sẽ hãm một ấm chè xanh. Bố tráng chè trước thềm, tôi nhón chân ra vườn hái mấy bông nhài. Những chiếc cốc uống nước sạch sẽ được úp lấy một vài bông nhài xinh xắn, một cách để lưu lấy hương thơm, khi rót nước chè vào sẽ thoang thoảng hương nhài còn đọng trong lòng cốc, và như vậy là đã có món trà hoa nhài.
Bố lại nói tôi sang hàng xóm mời mấy ông bạn của bố sang nhà chơi uống trà. Tôi con cón chạy đi, mỗi bước chân như có tiếng lá reo. Bởi sau khi mời mấy ông hàng xóm rồi, tôi sẽ được ở lại chơi với bạn một lúc trong khi bố tiếp khách.
Cùng với hoa nhài để ướp trà, ướp bột sắn dây nấu chè giải nhiệt, thì cây ngâu, hoa hòe, nụ vối, nụ hoa trà… cũng cho hoa để nấu nước uống. Những câu ngâu lớn tự nhiên cành nhánh tỏa rộng chi chít hoa vàng, hay những vòm ngâu được cắt tỉa tròn xoe như một quả cầu lớn, đều trổ hoa thơm ngát mùa hè. Cả xóm tôi hồi ấy chỉ có một cây ngâu lớn. Chúng tôi được giúp cụ hàng xóm hái hoa để phơi trong chiếc nia lớn đặt trên mặt bể nước. Tóc cụ trắng, mỏng, lòa xòa, nụ ngâu rụng đậu từng hạt trên mái tóc của cụ, chui vào áo của cụ. Chúng tôi cũng được nụ ngâu và cả lá ngâu chui vào trong áo, đôi khi có cả con sâu đo hay những chú kiến bé xíu làm chúng tôi bị nhột, bị ngứa, phải lột cả áo quần ra giũ.
Nụ ngâu khi hái chín vàng, phơi qua một nắng sẽ ngả màu vàng nâu, hơi khô se lại. Gọi là hoa ngâu nhưng thực ra chúng nở ở dạng nụ tròn bum búp, như những hạt cườm tí xíu, tỏa hương thơm ngan ngát. Chúng tôi hái những chùm hoa ngâu xong thì được tự do tha thẩn nhặt những nụ ngâu rụng vàng mặt đất để làm đồ chơi. Phải lâu lắm thì bốn năm đứa mới nhặt được một nhúm, bỏ trong cái rá nhỏ xinh xinh hay cái cốc, rồi đếm xem đứa nào nhặt được nhiều hơn. Nụ ngâu bé xíu cứ lọt kẽ ngón tay, đếm rồi nó lại rơi, tay thì ra mồ hôi đến là dính, cứ đếm mãi vẫn không thấy chính xác khiến chúng tôi cãi nhau om xòm, rồi thì chán và giải tán, đi tìm trò khác. Nhưng sớm mai, thấy có ngâu rụng, lại rủ nhau ra nhặt. Từng hạt cườm vàng bé xiu bé xíu thơm lựng trong lòng bàn tay.
Sau ngâu là đến hoa cau, hương cau bạn với chúng tôi. Những thân cau cao vút, tròn nhẵn, đương nhiên trẻ con không bao giờ trèo hái được. Chúng tôi nhặt hoa cau rụng xâu lại thành chiếc vòng cổ vòng tay xinh đẹp và thơm tho. Mỗi chiếc vòng được xâu xong, chúng tôi sẽ đeo lên tóc, lên cổ và tay, làm công chúa và tổ chức đám cưới, hoặc đơn giản là treo đâu đó, để nó tự khô đi và khi ấy chúng tôi cũng nhanh quên, nhưng bây giờ thì tôi rất nhớ…
Nhớ cả những buổi trưa trốn ngủ lần mò đi xin không được thì hái trộm hoa móng rồng, hoa ngọc lan, lan tiêu – hồi đó được coi là những thứ hoa quý, trong làng, nhà nào cầu kỳ lắm mới trồng, khiến cả làng xuýt xoa mà ngắm, ngửi, hít hà suốt cả mùa, trẻ con thì đi xin về ủ trong túi áo.
Ấy là những hương để thưởng, để ngửi, để chơi. Từ giữa hè trở sang đến đầu thu, là hương ổi, hương mít và hương thị…, cái mùi mới thoảng nghe qua mà không được ăn thì không chịu nổi! Là hương của ngon ngọt thảo thơm cây trái vườn nhà được ủ giấu suốt từ mùa xuân với nụ với hoa và quả non, của bao nhiêu xuýt xoa, đợi chờ phấp phỏng và bây giờ thì đã đến mùa quả chín, sắp được ăn rồi! Khi chơi với hương ngâu hương cau là chúng tôi đã không quên thỉnh thoảng đi đếm mít, bấm ổi và ngắm thị trên cây. Những chùm quả ổi ở cành thấp, vừa tầm tay với được chúng tôi bấm chi chít vết móng tay lên nó. Đôi khi quá thèm, chúng tôi bảo nhau ăn thử cả quả xanh còn chát sin sít. Quả nào bấm được móng tay, hơi ương một chút là chúng tôi chén ngay, không thể chờ đợi. Những vết bấm móng tay đã thành sẹo trên quả ổi, như một vành trăng con con, như những nụ cười mủm mỉm, như vành mi con gái đợi chờ… Thèm làm sao, và chúng tôi chia nhau ăn, cắn chung quả ổi mà ăn, khái niệm dùng dao bổ quả với chúng tôi khi đó hoàn toàn không có…
Khi những quả ổi đào chín vàng thơm lựng trên cây cũng là lúc mùa thu chớm, đã nghe những dòng mưa đi xiên ngang trời, rơi lộp bộp lá súng mặt ao. Lúc ấy thì tha hồ, vườn nhà nào chả có vài cây ổi, mẹ và chị sẽ hái về đầy cả thúng, ăn không thể hết còn đem ra chợ bán. Ổi mỡ, ổi đào, ổi Vân Nam, ổi Bo, ổi thóc, ổi găng… Tôi nhớ bấy nhiêu tên chắc là chưa đủ, nhưng ổi găng, ổi mỡ, ổi đào là chúng tôi thích nhất. Nó chín vàng, đẹp óng mỡ màng, thơm tha thiết, và ngọt lịm. Mỗi đứa chúng tôi sẽ giấu mấy quả ổi trong túi áo túi quần theo cánh diều ra đồng chơi. Chẳng thiếu, chẳng đến nỗi quá thèm vì giữa mùa chín rộ, ổi còn rụng vàng gốc cây, nhưng chúng tôi vẫn cắn chung từng quả ổi, đôi khi lại cãi nhau, lại khóc hoặc dỗi hờn vì có đứa ăn tham không nhường bạn…
Mùa thu quả thị chín vàng. Bố dạy tôi đan giỏ (còn gọi là quang) cho thị. Thị bỏ vào quang, treo lên cột hay tường nhà, thơm khắp nhà trên bếp dưới. Không chỉ “để ngửi” đâu, lúc thị chín mềm là chúng tôi cũng chén đấy, ngọt lắm!
Tuổi thơ cứ thế đầy ắp hương thơm của ngày tháng, của mùa, ẩn giấu trong từng tàng cây, tán lá những hương sắc ngọt ngào của đồng quê, được vun trồng từ bàn tay cha mẹ. Khi tuổi trẻ, người ta thường có xu hướng khao khát ra đi, để hiện thực hóa những giấc mơ của đời mình. Rồi ai cũng sẽ có lúc ngẫm ngợi, bồi hồi thương thớ những mảnh vườn, nơi đã ủ giấu hương đất hương cây, như ủ giấu cả những mộng mơ của một thời tuổi trẻ. Ấy là lúc người ta lại muốn trở về…
Trang Thanh/GĐTE