Các cụ cao niên trong làng kể rằng, xưa kia làng Chuồn có bức ruộng cửa rộng chừng 1 ha, đất phì nhiêu trồng lúa thì lúa tốt tươi, cấy nếp nếp thơm ngon, dẻo mềm. Lệnh của làng là hễ ai đấu được ruộng thì phải đong (nộp) cho làng 2 thúng nếp ngon, thơm, dẻo để làng tiến vua. Vì thế mà bánh tét làng Chuồn được nổi danh từ đó…Cụ Đoàn Rạng, 83 tuổi, gia đình cụ có 4 đời làm bánh tét ở làng, cho biết: “Bánh tét làng Chuồn nổi tiếng thơm ngon, hương vị thanh trong, ngọt ngào, vang xa như hiện nay là nhờ chất lượng nếp và kỹ thuật gói kỹ lưỡng, công phu, thể hiện tài nghệ của nghệ nhân”.
Gia đình bà Đoàn Thị Nghiệp, một gia đình có 4 thế hệ ở làng Chuồn giữ nghề làm bánh tét.
Để tạo nên hương vị chiếc bánh tét làng Chuồn, mang dáng dấp đặc trưng vùng quê hiền hòa, thanh bình, ngọt lịm của hơi gió thổi từ phá Tam Giang. Người làm phải tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn: Vút nếp thật sạch, để cao cho ráo nước. Đậu xanh chà hết bọt, đãi sạch vỏ. Sử dụng đậu xanh nguyên hạt, tự tay cà lấy (không dùng đậu đã bóc vỏ bằng máy). Mỡ heo (lợn) phải luộc chín. Lá gói bánh tét làng Chuồn chỉ duy nhất sử dụng lá chuối sứ còn lành lặn, sạch sẽ, tươm tấc. Lá chuối sứ đặt mua ở Đà Nẵng. Lạt buộc bằng thân cây lồ ô mềm mại, dẻo dai. Nấu bánh phải đun sôi nước, đều lửa, chụm liên tục trong vòng 6 tiếng (xưa kia, củi nấu bánh tét là gốc cây dương cứng cáp, lâu tàng, nhiều thang). Bánh chín vớt xong phải chùi thùng thật sạch mới nấu lại đợt khác. Nếu không sạch thùng mà sử dụng nấu tiếp thì bánh sẽ bị đen, thâm tím, mất vẻ mỹ quan.
Bà Đoàn Thị Kiểu, 80 tuổi, người làng Chuồn chia sẻ thêm: “Trước đây bánh tét làng Chuồn được người buôn gánh đi bán dạo trên phố, dưới quê. Ngày nay thì phần lớn dân làng sản xuất tại chỗ, bởi đã có khách mua gần xa tìm đến đặt hàng tại nhà”.
Nhiều năm nay, bánh tét làng Chuồn còn theo chân Việt kiều “bay” ra thế giới, nhiều nước biết đến như: Mỹ, Singapo, Hàn Quốc… Bánh tét để xuất ngoại thì không dùng nhụy (nhân) mỡ, chỉ dùng nhân đậu xanh với dầu phụng (vì người nước ngoài không ăn thịt mỡ như ở Việt Nam) và phải vận chuyển xa, đường dài nên bánh phải nấu với thời gian gấp đôi (12 tiếng).
Mặc dù chưa đến Tết Nguyên đán Bính Thân (2016), nhưng hễ ai có dịp về làng Chuồn vào thời điểm này đều cảm nhận không khí nhộn nhịp, vui tươi, hối hả của dân làng sẵn sàng cho mùa vụ gói bánh Tết…
Bánh tét làng Chuồn ngày nay đã “tung cánh” sang Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapo.
Mệ Đoàn Thị Kiểu, là “sứ giả” gói bánh tét làng Chuồn để xuất ngoại.
Thùng để nấu bánh, có cái cao hơn 1 mét, được hàn chắc chắn bằng loại tôn dày, không gỉ.