Hiện nay chợ Trà Cuôn trở thành điểm dừng chân của các chuyến xe khách và các tour du lịch để du khách ghé mua, thưởng thức hương vị loại bánh tét Trà Cuôn còn nóng hổi vừa được vớt ra từ những nồi bánh, bày bán trên 20 sạp trong cái chợ quê nhỏ bé này. Người dân ấp Trà Cuôn cho biết, người khởi nghiệp làng nghề bánh tét nổi danh khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long này là bà Thạch Thị Lết, dân tộc Khmer.
Năm nay bà Lết đã hơn 80 tuổi, có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề gói bánh tét và nhờ đó mà nuôi được 12 người con trưởng thành, trong đó có 8 người con gái nối nghiaệp bà đang ăn nên làm ra. Để giữ bí quyết, tạo uy tín cho thương hiệu bánh tét Trà Cuôn của mình, cả 8 người con gái của bà Lết đều thống nhất về quy trình làm bánh từ khâu chọn nếp đến gói bánh. Loại nếp để làm bánh tét là nếp sáp đặc sản của Trà Vinh vừa dẻo, vừa thơm hoặc nếp Thái Lan. Nếp sau khi vo thật sạch vớt ra cho ráo rồi trộn với nước lá bồ ngót xong mới gói, để sau khi nấu chín bánh sẽ có màu xanh như đọt chuối, trông rất tươi, hấp dẫn.
Ở ấp Trà Cuôn hầu hết những người phụ nữ đều học nghề và hành nghề gói bánh tét, nhờ đó có việc làm và thu nhập ổn định
Công đoạn gói bánh phải rất cẩn thận làm sao cột lạt, dây vừa đủ chặt, nếu không khi nấu nước sẽ thấm vào khiến bánh mau hư, không để lâu được. Đây chính là một trong những bí quyết làm cho bánh tét Trà Cuôn có thể để được từ 5 – 7 ngày vẫn dẻo, thơm ngon mà không cần có chất phụ gia bảo quản. Nhân bánh tét Trà Cuôn chủ yếu bằng thịt heo nạc, đậu xanh và thêm trứng vịt muối để tăng hương vị đậm đà, màu sắc lạ mắt…
So với bánh tét ở những địa phương khác, bánh tét Trà Cuôn có một hương vị rất đặc trưng đậm đà màu sắc hấp dẫn
Thương hiện bánh tét Trà Cuôn hiện nay không chỉ được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mà còn được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành khác như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… và bà con Việt kiều ở nước ngoài ưa chuộng. Được biết, từ dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo, xã Kim Hòa đã thành lập 7 tổ sản xuất bánh tét Trà Cuôn, trong đó lực lượng chính chủ yếu là con cháu của bà Lết.
Một cơ sở chuyên sản xuất bánh tét giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho những lao động trong gia đình mà cả trong ấp
Người lao động tại các cơ sở sản xuất bánh tết sẽ được cán bộ chuyên môn của Đại học Nông lâm TP. HCM, do Tổ chức GTZ của Đức mời tham gia hướng dẫn về quy trình kỹ thuật sản xuất bánh theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; cách chọn thực phẩm, gia vị để nâng cao chất lượng; thay sử dụng gói lá chuống bằng lá dong để màu xanh của bánh hấp dẫn hơn…Đặc biệt là tất cả các cơ sở đều có sự thống nhất nhau về mẫu mã, trọng lượng và chất lượng của từng đòn bánh tét.
Một gian hàng với thương hiệu bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng ở Trà Vinh luôn tấp nập khách hàng
Thương hiệu bánh tét Trà Cuôn ngày nay đang thực sự được đánh thức tiềm năng, trung bình một cơ sở với 7 – 10 lao động có thể gói từ 300 – 350 đòn bánh/ngày, vào dịp lễ, Tết con số này tăng lên gấp 4 – 5 lần mới đáp ứng nhu cầu thị trường, với giá bán ổn định từ 25.000 đ – 30.000 đ/đòn bánh tùy theo trọng lượng. Nhờ đó mà nhiều hộ gia đình ở Trà Cuôn không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn có cuộc sống khá giả hơn. Tỷ như đại lý bánh tét của gia đình chị Hai Lý ở chợ Trà Cuôn là một ví dụ điển hình về sự đổi đời từ thương hiệu bánh tét Trà Cuôn.