Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hương vị Tết quê ở phố

 
Đã thành nếp quen mỗi năm, anh em chúng tôi thường hẹn nhau về đón Tết ông Công, ông Táo ở quê cùng với mẹ. Với người làng quê, Tết ông Công, ông Táo rất quan trọng, nên dù bận việc đến đâu thì ngày 23 tháng Chạp, nhà nào nhà nấy đều làm mâm cơm tiễn đưa ông Táo về trời, mẹ thường làm một mâm xôi chè để cúng bếp. Có nhà còn có thêm chậu nước thả mấy con cá chép để đưa ông Táo về trời. Sau Tết ông Công, ông Táo, mỗi làng quê thường có tục đi “chạp mả”, đó là con cháu ra mộ thắp nhang, mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết.
 
Sau Tết Ông Công Ông Táo, chúng tôi đón mẹ ra thành phố. Mẹ mang cả Tết quê tới gia đình các con. Mẹ lo sắm từng thứ nhỏ nhất, từ mâm ngũ quả, nén hương trầm, mớ lạt gói bánh, lọ dưa hành… Nhà chúng tôi bắt đầu có mùi Tết từ lúc mẹ đến. Con cháu đi làm, đi học những ngày cuối cùng của năm, rạo rực mau mắn bước chân để được về bên bà, bên mẹ chuẩn bị đón Tết. 
 
“Hương vị Tết” tự bao giờ luôn nhắc mỗi người nghĩ tới quê kiểng, nguồn cội, nhắc về ấm no, hạnh phúc, đoàn tụ...
 
 Mẹ thật vui khi cùng con cháu ra chợ sắm Tết. Thành phố những ngày giáp Tết, hương hoa từ các xe hoa, chợ hoa, vườn hoa, hay chỉ bình hoa nhỏ của mỗi nhà tỏa vào phố phường trong giá rét, trong mưa bụi. Bóng người, bóng hoa in trên những bức tường vôi mới. Những cúc, những hồng, thược dược, lay ơn, violet, hải đường, hoa bướm… lan man thơm cùng với những vườn địa lan nằm kín đáo đâu đó trong các ngôi nhà tạo thành một không gian mơ màng dịu mát gió xuân.


Tết mang đậm giá trị truyền thống.
 
Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay, cách ăn Tết của người thành phố phần nào đã thay đổi. Những đổi thay ấy đến từ cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn, từ sự năng động, nhạy bén hơn nhưng cũng khiến nhịp sống như thêm vội vã hơn.
 
 Ngày nay, quan niệm đón Tết của người thành phố và người ở quê có nhiều sự khác biệt. Với người dân quê, ngày Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần, chia sẻ những câu chuyện trong năm cũ, chúc nhau những điều may mắn trong năm mới. Còn với người thành phố, Tết có thể là một kỳ nghỉ sau một năm làm việc… Khác với quan niệm ăn Tết của người dân quê, cuộc sống hiện đại khiến người thành phố chuyển từ khái niệm ăn Tết sang chơi Tết. Và xu hướng đi du lịch đón xuân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa của đất nước hoặc đi du lịch nước ngoài của người thành phố ngày càng tăng cao. Họ cho rằng, ngày thường làm việc bận rộn, vất vả, ít có thời gian đi chơi nên tranh thủ những ngày nghỉ Tết để đi du lịch nước ngoài, có khoảng riêng dành cho nhau… Nhiều món ăn xưa chỉ dành cho mâm cỗ Tết, giờ người thành phố có thể ăn nhiều lần trong năm. Nhưng chỉ có ngày Tết, món ăn đó mới thấy đầy đủ hương vị, cảm xúc. Các gia đình ở mặt phố, khu chung cư dần có nếp chung nhau nấu nồi bánh chưng. Bắc bếp ra vỉa hè, ra sân chung cư, quây quần vài gia đình thức suốt đêm. Chẳng có mùi gì ấm áp no đủ cho bằng mùi bánh chưng mới vớt vào lúc sáng sớm. Nấu bánh chưng là một trong những công việc quan trọng của người dân quê vào dịp Tết, bây giờ trở thành niềm vui có cả ký ức đan quyện của người sống ở thành phố xa quê. Có nồi bánh chưng chung vui, chuẩn bị cho mâm cơm cúng Giao thừa thịnh soạn nhất trong năm bắt đầu tỏa hương vào trưa ngày 30 Tết. 
 

 Tập trang trí mâm ngũ quả.
 

 Ở mỗi làng quê, nơi thể hiện rõ nhất không khí Tết chính là chợ. Chợ quê ngày  Tết luôn nhộn nhịp, tấp nập. Chợ họp từ sáng sớm kéo dài đến tận chiều với đủ hàng hóa, trong đó không thể thiếu: chuối, bưởi, lá dong, hoa quả cho thờ cúng và trang trí. Chủ yếu là “cây nhà lá vườn” người dân mang ra chợ bán ngoài để có tiền sắm Tết, cũng là để gặp gỡ người thân quen. Tôi vẫn thường ra chợ Tết ngắm hoa, mua hàng, khấp khởi cùng mọi người chọn cho gia đình bó hoa, cành hoa, chậu hoa, đồ dùng đón Tết. Quanh năm với siêu thị tiện ích mua nhanh, Tết về ai cũng muốn chen chân tới chợ truyền thống. Ngày Tết, chợ phiên như một không gian ký ức xưa ngập tràn. Tôi bỗng giật mình, vậy mà mình đã gắn bó thành phố này mấy mươi năm. Giữa không khí chộn rộn của Tết, tôi đứng giữa không gian chợ Tết thành phố ngắm nhìn sự hiện diện những nếp sinh hoạt của Tết quê xưa, chợt thấy ấm lòng như được trở về với cội nguồn, đắm mình trong hương và vị của ký ức.


 Tết sum vầy vẫn là những thiêng liêng kỳ lạ, mùi Tết thấm đẫm trong ký ức không dễ phôi pha. Chỉ riêng về ẩm thực, nhiều món ăn xưa chỉ dành cho mâm cỗ Tết, giờ người thành phố có thể ăn nhiều lần trong năm. Nhưng chỉ có ngày Tết, món ăn đó mới thấy đầy đủ hương vị, cảm xúc.
 

Thành Sơn/GĐTE