Trước đó, ngay khi dịch bùng phát trở lại, nhiều sinh viên các trường Đại học đã mắc kẹt tại Hà Nội và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do làm tốt công tác quản lý và nắm bắt thông tin tại chỗ. Các cán bộ Tổ dân phố số 2, cảnh sát khu vực cùng nhà hảo tâm đã lập danh sách và lên phương án kịp thời hỗ trợ cho hơn 30 bạn sinh viên ở tỉnh ngoài cùng nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ.
Nhân dịp nghỉ lễ 2/9, hơn 60 suất quà gồm gạo, dầu ăn, nước mắm… tiếp tục được trao đến tay các bạn sinh viên và hộ dân gặp khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau của các cán bộ tổ dân phố, nhà hảo tâm và bà con sinh sống trong cụm dân cư số 2.
Ông Lê Ngọc Thảo, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 cho biết. Được sự chỉ đạo từ các cấp chính quyền phường Phường Liên, ngay khi dịch bùng phát trở lại, các cán bộ trong tổ dân phố, cảnh sát khu vực đã kêu gọi tinh thần đoàn kết và ý thức tự giác của mỗi người dân trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó là rà soát, lập danh sách hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo công tâm, minh bạch.
"Dịch bệnh có thể còn kéo dài, chúng tôi đã lên kế hoạch tiếp tục vận động các nhà hảo tâm ngay trong tổ để hỗ trợ cho những gia đình và các cháu sinh viên gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19". Ông Thảo nhấn mạnh.
Thay mặt các bạn sinh viên tạm trú tại đây, bạn Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên một trường ĐH trên địa bàn TP. Hà Nội bày tỏ cảm ơn tới các nhà hảo tâm, cán bộ tổ dân phố và chia sẻ, đây là lần thứ 3 được hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu để vượt qua đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay.
Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ đều hết sức vui mừng vì ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, họ còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính những người hàng xóm "tối đèn tắt lửa có nhau". Giúp họ cảm thấy yên tâm và cảm nhận được sự đoàn kết của người dân trong khu vực mình sinh sống, yên tâm cùng chính quyền thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Việc huy động nguồn lực tại chỗ để giải quyết những khó khăn tại chỗ một cách linh hoạt là cách làm hay và cần được nhân rộng. Bởi lẽ, chính những cán bộ tổ dân phố, cảnh sát khu vực và người dân cùng sinh sống trên địa bàn sẽ hiểu và nắm rõ nhất những ai là người thực sự cần hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay. Đảm bảo những sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền hay các nhân từ thiện sẽ đến đúng người cần được giúp đỡ.
Ngoài ra, việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hoá tại từng tổ dân phố, phường, quận… sẽ giúp nhà nước tiết kiệm ngân sách trong công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội.