Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Huyện An Phú (An Giang):Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, giúp dân xóa nghèo

Những năm gần đây, người dân huyện An Phú (An Giang) đã tập trung phát triển sản xuất, với nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, chuyển giao tiến bộ khoa học, Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng và chính công nghệ đạt hiệu quả kinh tế cao, đưa giá trị bình quân đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn có của để dành, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

 

Những năm qua, các ngành chức năng như Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân huyện An Phú đã đẩy mạnh công tác chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và triển khai nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, tổ chức cho người dân tham quan, hội thảo. Thông qua đó, đã giúp cho người dân các xã, thị trấn có cơ hội tiếp cận và ứng dụng vào các mô hình sản xuất của mình một cách thiết thực, hiệu quả. Hộ ông Nguyễn Văn Gấu, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu là một ví dụ điển hình của chương trình “3 tăng, 3 giảm” và mô hình “ruộng lúa – bờ hoa”, từng được Trung ương Hội Nông dân tặng bằng khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Được biết, với 70 công đất vừa trồng lúa + đậu phộng (lạc), vừa làm dịch vụ cày xới, thu hoạch, sấy lúa mỗi năm đạt tổng doanh thu trên 1,4 tỷ đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phi còn lời khoảng 50%. Ông Gấu cho biết, chỗ dựa căn bản của ông là CLB Nông dân Phú Hữu, mỗi khi có lớp tập huấn, hội thảo là tranh thủ dự để học tập mở mang kiến thức khoa học kỹ thuật vể trồng trọt, chăn nuôi…

 

 Trồng nấm rơm theo kỹ thuật mới là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng.


 Ông  Lê Thanh Hồng, ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trường chuyên tổ chức sản xuất phôi nấm rơm cung cấp cho các hộ dân trong vùng, đem lại lợi nhuận mỗi năm trên 100 triệu đồng và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 10 lao động nông thôn. Hộ ông Trần Bình An, ở ấp Vĩnh Thuấn, xã Vĩnh Hậu cũng đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng nấm và lấy phôi giống nấm rơm từ cơ sở của ông Lê Thanh Hồng. Ông An cho biết, nhờ trồng nấm rơm trên diện tích 1.000 m2, với thu nhập trên 40 triệu đồng/năm mà gia đình ông với 4 nhân khẩu đã thoát nghèo, hai đứa con vẫn tiếp tục được tới trường, không còn lo bị bỏ lỡ nửa chừng nữa. Gia đình ông và nhiều hộ nông dân khác ở An Phú có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, chính là nhờ vào sự tận tình của các cán bộ kỹ thuật các ngành chức năng đã cùng ra đồng với nông dân chỉ dẫn họ làm ăn. Nhờ đó, với sự chăm chỉ học tập tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm và chí thú làm ăn của những người nông dân mà các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã được nhân rộng trong địa phương.

 

 Phát triển cây đậu phộng (lạc) được huyện An Phú xác định là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở xã vùng biên giới Phú Hữu.

 Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông An Giang và Sở Khoa học và Công nghệ An Giang còn cung ứng giống đậu phộng mới với ưu điểm vượt trội về năng suất cao hơn, để nông dân xã Phú Hữu, huyện  An Phú khảo nghiệm và trồng đại trà. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, đậu phộng được xác định là cây trồng chính (cây xóa đói giảm nghèo) ở khu vực ven biên giới của xã Phú Hữu và được quy hoạch phát triển diện tích ổn định theo mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu, hoặc 2 vụ màu + 1 vụ lúa../.