Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Huyện Châu Phú (An Giang): Nông dân nuôi cá chình bông lợi nhuận cao

Là huyện có đông đồng bào Chăm và Khmer cùng chung sống, những năm gần Châu Phú (An Giang) đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu nhiều chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo mang tính bền vững, qua đó góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

 

Châu Phú là địa phương có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer, Chăm cùng cộng cư sinh sống từ lâu đời, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế từ nhiều năm qua, công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện rất quan tâm.

Đặc biệt công tác giảm nghèo được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong vòng 10 năm qua, bên cạnh các dự án tu sửa cầu treo và nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn đến các thôn, ấp của đồng bào Khmer, Chăm ở 2 xã Bình Mỹ, Khánh Hòa kết nối với những khu dân cư người Kinh, huyện còn chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo mang tính căn cơ, bền vững khác. Đó là thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay giúp hộ nghèo phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và buôn bán nhỏ; xây dựng nhà tình thương, nhà 167, mua BHYT, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh con em hộ nghèo…

Là huyện nằm ở trung tâm tỉnh An Giang, bên bờ sông Hậu có hệ thống kênh rạch và là huyện đầu nguồn nên mỗi mùa lũ về đã mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân nơi đây, tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập thông qua hoạt động đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng các loại cây thủy sinh trong mùa nước nổi… Đó cũng là một trong những tiềm năng, thế mạnh của Châu Phú trong phát triển kinh tế. Phát huy tiềm năng và thế mạnh ấy những năm gần đây, Châu Phú đã có nhiều mô hình đánh bắt và nuôi trồng thủy sản góp phần giảm nghèo hiệu quả mang tính bền vững.

Nhờ thực hiện mô hình nuôi cá chình bông trong bể bạt, bể xi măng, mà nhiều hộ đồng bào Khmer, Chăm ở Châu Phú (An Giang) thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu


Từ 2009 đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (TTGTSAG), nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông đến từng hộ gia đình tại xã Bình Chánh, bằng cách tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng ngừa bệnh cho cá… Nhiều nông dân cho biết, cá chình bông dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn là cá tạp xay nhuyễn, giá rẻ có sẵn ở địa phương, mau lớn và đảm bảo năng suất trung bình mỗi con nặng từ 5 – 8 kg, có con nặng 10 kg, cá càng lớn càng có giá cao. Đây là mô hình dễ thực hiện, thu hút khá nhiều hộ nông dân nghèo tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo nhanh và vươn lên làm giàu.