Như Xuân là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có 4 dân tộc chính cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Thái chiếm đa số (42,1%). Những năm gần đây, từ nguồn đầu tư của Nhà nước thông qua Chương trình 135 dành cho vùng đặc biệt khó khăn, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thôn, bản, đặc biệt là sự tham gia hăng hái của nhân dân các dân tộc, bộ mặt nông thôn, miền núi cũng như đời sống nhân dân của Như Xuân đã ngày càng khởi sắc.
Chương trình 135 giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gồm 2 tiểu dự án: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Trong đó, tiểu dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2016 - 2019 triển khai tại Như Xuân đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sở tại.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành từ huyện xuống xã, trong 3 năm (2016 - 2019), huyện Như Xuân đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 48.568 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 44.892 triệu đồng, vốn đối ứng dân đóng góp 3.793 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, toàn huyện đã khởi công xây dựng mới 83 công trình gồm: 42 công trình giao thông, 33 công trình văn hóa, 4 công trình giáo dục, 1 công trình điện, 3 công trình thủy lợi, với tổng mức đầu tư 41.008 triệu đồng, chuyển tiếp 8 công trình với tổng mức đầu tư 1.600 triệu đồng. Đáng chú ý, hầu hết các công trình trên được thực hiện theo cơ chế đặc thù quản lý xây dựng dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ do Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư.
Việc hỗ trợ các xã triển khai thực hiện đúng mục đích, đảm bảo tiến độ và chất lượng, nhất là lựa chọn chính xác những công trình thiết yếu là thật sự cần thiết đối với địa phương. Với các xã, mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất là nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân.
Ngay từ trước khi trình cấp trên phê duyệt, các xã đã tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân từ việc quy hoạch đầu tư, lựa chọn công trình, nhà thầu, địa điểm xây dựng, sau đó thông qua hội nghị Ủy ban nhân dân xã mở rộng gồm Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo thôn, bản. Trong quá trình xây dựng, người dân được tham gia trực tiếp trong tất cả các khâu, từ giám sát, kiểm tra quá trình thi công, nghiệm thu phần việc, nghiệm thu công trình đến đóng góp ngày công lao động, hiến đất đai, hoa màu...
Nhờ phát huy tốt vai trò dân chủ, hướng tới lợi ích của nhân dân, cộng đồng nên hầu hết các công trình đều đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, với các công trình giao thông bê tông liên thôn, được thiết kế tiêu chuẩn đường loại B theo TCVN của Bộ Giao thông Vận tải (chiều rộng nền đường 4,5m, hai bên lề đường 1,5m, bê tông dày 16cm), tổng mức đầu tư khiêm tốn chỉ 200 triệu đồng. Nhưng với sự tính toán, cách làm nhằm tiết kiệm tối đa, nhất là sự đóng góp nhiệt tình của nhân dân nên chiều dài tuyến đường phần lớn đều đã được tăng lên gấp rưỡi, có khi gấp đôi so với thiết kế ban đầu nhưng vẫn đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và chất lượng. Cũng như vậy, các công trình nhà văn hóa thôn do hầu hết đều được xây dựng bằng hoặc vượt diện tích (tùy theo nhu cầu), có tường bao, cây bóng mát và khuôn viên rộng rãi, đảm bảo nhu cầu hội họp, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ của bà con trong thôn, bản.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Như Xuân, số hộ nghèo tham gia dự án sản xuất, chăn nuôi ở các xã được hỗ trợ hạ tầng đã có thu nhập tăng so với trước 0,85 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ thoát nghèo toàn huyện năm 2018 giảm còn 14,92%. Cùng với đó, sản lượng, năng suất và thu nhập trên 1ha canh tác cũng được tăng lên đáng kể. Đáng mừng hơn, thay vì sản xuất, canh tác theo thói quen và tập quán cũ, bà con các dân tộc đã quan tâm hơn đến việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có thu nhập cao và thị trường ổn định.
Có thể thấy, qua 3 năm triển khai thực hiện, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các công trình hạ tầng được xây dựng từ chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 tại Như Xuân đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo "cú hích" giúp Như Xuân thoát khỏi danh sách huyện nghèo.