Nói thêm về mô hình dạy nghề phát triển bền vững tại địa phương, ông Hiền cho biết, huyện xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chiến lược lâu dài với mục tiêu giúp cho người lao động tiếp cận với nghề được đào tạo trên cơ sở làm kinh tế ngay tại địa phương. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động tại gia đình của thị xã Sông Cầu gắn với doanh nghiệp để đạt được hiệu quả nhất định, số lao động có việc làm ổn định, lâu dài bình quân trên 75%, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới. Qua các lớp dạy nghề giúp người lao động có thêm kiến thức nhằm nâng cao trình độ tay nghề để hoàn thiện sản phẩm có chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.
Trung tâm tiến hành khảo sát nhu cầu, xử lý thông tin, cung cấp các thông tin cần thiết, để vận động các doanh nghiệp may trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. Giới thiệu mô hình phát triển bền vững câu lạc bộ may thời trang xã Xuân Thịnh có thể đầu tư xây dựng thí điểm trên địa bàn tỉnh để có hướng lựa chọn, nhân rộng tại các địa phương, góp phần tham gia chương trình giảm nghèo.
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ học nghề may ở Sông Cầu.
Câu lạc bộ May thời trang xã Xuân Thịnh tập hợp các chị em phụ nữ nhàn rỗi, không có việc làm thuộc 2 thôn Vịnh Hòa và thôn Từ Nham. Đặc biệt là các chị em thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã Xuân Thịnh để cùng học nghề, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, giúp nhau cùng thoát nghèo và cùng nhau phát triển bền vững. Việc thành lập câu lạc bộ nghề May tại cơ sở xã để người học nghề có điều kiện vừa học nghề, vừa thực hành, vừa nhận gia công cho các cơ sở may để kiếm thêm thu nhập là một mô hình phát triển bền vững.
Xuân Thịnh là một xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh không ổn định, phần lớn người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ, ven bờ. Tình hình nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn, do chưa có hệ thống kênh mương đảm bảo thoát nước và cung cấp nước cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất khô cằn, bạc màu nhiễm mặn, lại chịu tác động của triều cường xâm thực thường xuyên.
Khi tham gia câu lạc bộ người lao động vừa được học nghề gắn với việc làm và có việc làm đạt mức ổn định. Số lao động nông thôn sẽ chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, góp phần thoát nghèo và phát triển bền vững. Với nghề may dân dụng và công nghiệp sẽ có 75% học viên có việc làm, trong đó 52% học viên được doanh nghiệp tuyển dụng, 23 % học viên tự tạo được việc làm.
Theo kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã Xuân Thịnh, từ năm 2013 đến nay đã phối hợp mở 15 lớp có 276 người (may thời trang và điện dân dụng) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nông dân. Hầu hết số lao động tự tạo việc làm tại nhà, làm thuê kiếm sống như: may mành tôm, may quần áo và tự sửa chữa điện dân dụng tại gia đình. Ngoài ra, một số làm công nhân ở công ty…
Sinh hoạt trong câu lạc bộ may thời trang với mục tiêu giúp cho người lao động nhàn rỗi tại địa phương tiếp cận với mẫu mã mới trên thị trường trên cơ sở làm kinh tế ngay tại địa phương. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động tại gia đình của thị xã Sông Cầu nói chung và xã Xuân Thịnh nói riêng gắn với các doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả nhất định, số lao động có việc làm ổn định bình quân trên 75%, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới. Qua câu lạc bộ May giúp người lao động có thêm kiến thức nhằm nâng cao trình độ tay nghề để hoàn thiện sản phẩm có chất lượng và hiệu quả.