Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thành, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có khoảng gần 200 trang trại hoạt động trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp. Tổng diện tích đất sử dụng của các trang trại khoảng 427 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 678 tỷ đồng, tổng thu nhập bình quân đạt 146,8 tỷ đ/năm, nuôi trồng thủy sản 471 tỷ đ/năm, trang trại tổng hợp 325 tỷ đ/năm. Hầu hết các trang trại đều sản xuất theo hướng hàng hóa và thực hiện quy trình khép kín, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu ở địa phương, để khai thác tối đa hiệu quả năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi, trên mỗi diện tích.
Mô hình trang trại nuôi vịt trong phòng lạnh của ông Phạm Văn Đạo ở xã Tóc Tiên là một trong những mô hình đang được nhân rộng
Trang trại nuôi gà để trứng trong phòng lạnh của bà Nguyễn Thị Xuân Trung ở xã Hắc Dịch cũng là một mô hình hoạt động rất hiệu quả. Với quy mô trên 4ha diện tích được xây dựng thành 8 dãy chuồng, mỗi dãy có sức chứa khoảng 19.000 con gà để trứng, bình quân mỗi ngày trang trại của bà Trung cung cấp cho thị trường khoảng 160.000 quả trứng gà. Theo bà Trung thì ưu điểm của mô hình nuôi gà để trứng trong phòng lạnh là tỷ lệ gà đẻ đạt cao từ 93 – 96%. Trong khi tỷ lệ này nếu nuôi trong điều kiện thông thường chi đạt khoảng từ 80 – 85%. Ngoài ra nuôi gà theo mô hình trong phòng lạnh còn hạn chế được dịch vì môi trường trong sạch hơn, không bị ô nhiễm như nuôi trong môi trường thông thường. Nuôi gà đẻ trứng trong phòng lạnh còn tận dụng gia tăng nguồn thu từ phân gà thải ra để bán cung cấp cho các trang trại trồng trọt các loại cây ăn trái. Nguồn thu này cũng khá đáng kể, vì nhu cầu dùng phân gà bón cây ăn trái ở các trang trại tại Tân Thành rất lớn. Theo tính toán của một số chủ trang trại thì lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi gà để trứng trong phòng lạnh tăng từ 4 – 5% và chi phí giảm từ 2 – 3% so với nuôi theo cách thông thường.
Mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng trong phòng lạnh của bà Nguyễn Thị Xuân Trung ở xã Hắc Dịch đem lại lợi nhuận cao
Có thể nói trong những năm gần đây các mô hình kinh tế trang trại ở Tân Thành đã phát huy hiệu quả, góp phần rất đáng kể vào tăng nguồn thu nhập cho nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Đồng thời giúp cho người nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và diện mạo nông thôn ngày nay trong địa bàn huyện. Tuy nhiên hiện nay các trang trại có quy mô nhỏ ở Tân Thành cũng gặp phải một số khó khăn là chưa thực sự được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư, tài chính, tín dụng. Nhiều hộ nông dân có điều kiện về đất đai, vị thế nhưng chưa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại quy mô vừa và nhỏ. Nhưng nhận thấy thuận lợi là cơ bản, khó khăn là nhất thời, nên lãnh đạo UBND huyện Tân thành vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương kiên trì thực hiện khuyến khích các trang trại sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh, đồng thời tạo điều kiện cho các trang trại có quy mô lớn xây dựng được thương hiệu, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ngày càng cao về càng chất lượng của người tiêu dùng.