Quang cảnh Đền Kim Liên - Trấn Nam Phương tự.
Đồng Lầm có vải nâu non…
Từ Ô Chợ Dền đi sang phía Đông, tới Ô Kim Liên tức tới làng Kim Liên, làng vốn có tên Nôm là làng Đồng Lầm. Thời xa xưa, làng Đồng Lầm có tên là Kim Hoa, đến đời vua Thiệu Trị, vì kiêng kỵ tên húy của mẹ vua là bà Hồ Thị Hoa nên đổi là Kim Liên. Tương truyền rằng, sau khi lên núi lập nghiệp, thần Cao Sơn xin vua cha về khẩn hoang vùng đất Đồng Lầm (Kim Liên ngày nay). Đất này xưa lắm hồ ao, nhiều ruộng và nổi tiếng với nghề nhuộm vải nâu do Kim Hoa Công Chúa con vua Hùng thứ 9 về đây truyền nghề. Dân làng thường lấy bùn ở các hồ: Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Đồng Lầm để “dấn bùn” nhuộm vải, rồi dãi nắng ngay bên bờ hồ. Vải Đồng Lầm nổi danh khắp kinh thành Thăng Long xưa, mỏng như voan, nhẹ và bền, đặc biệt là loại vải rồng. Ca dao Hà Nội xưa còn ghi “Đồng Lầm có vải nâu non/Có hồ cá rộng có con sông dài”.
Tam quan Đền.
Cùng với nghề nhuộm vải nức tiếng, đất Kim Liên xưa còn nổi danh với loài sen thơm ngát, không hạt, chuyên để ướp chè rất đậm hương. Cái tên làng Kim Liên có lẽ cũng bắt nguồn từ đó - làng của những hồ, đầm sen vàng. Sen trở thành một biểu trưng của làng.
Sau truyền thuyết về Thăng Long (Rồng bay), truyền thuyết “Thăng Long tứ trấn” cũng rất gắn bó với sinh hoạt văn hóa của người dân Kinh thành. Người Kim Liên tự hào là một trong tứ trấn của Thăng Long xưa, cùng với Thần Long Vũ ở đền Bạch Mã, Thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, Thần Linh Lang ở đền Voi Phục, đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương trấn giữ phía Nam kinh thành đã hợp thành Thăng Long tứ trấn đầy huyền tích vẻ vang.
Ông Phạm Hồng Việt, Trưởng ban quản lý di tích Đền Kim Liên tự hào: Đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ xây dựng sau khi lập kinh đô Thăng Long (năm 1010), nhằm mục đích trấn kinh thành ở hướng Nam. Sau khi lên ngôi, để ghi nhớ công ơn thần đã hiển linh giúp nhà Lê dẹp loạn, vua Lê Tương Dực đã cho xây dựng đền thờ đàng hoàng hơn và sai sử thần soạn văn bia lưu truyền để hương khói thờ phụng với tên gọi “Cao Sơn Đại Vương Từ”.
Đền Kim Liên huyền tích
Như tách bạch khỏi những tấp nập phố phường, ngôi Đền giữa sầm uất bốn bề uy nghi trầm mặc. Hương trầm từ điện thờ, tiếng xào xạc của vòm cổ thụ ngày đầu đông làm lòng người mau bâng khuâng, nhập vào với niềm tin huyền tích thánh thần.
Đền Kim Liên.
Từ sân bước lên cửa Tam quan phải qua chín bậc gạch lát. Hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê vững chãi. Ông Phạm Hồng Việt, Trưởng ban quản lý Di tích đền Kim Liên cho biết: Đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ xây dựng sau khi lập kinh đô Thăng Long (năm 1010), nhằm mục đích trấn kinh thành ở hướng Nam. Sau khi lên ngôi, để ghi nhớ công ơn thần đã hiển linh giúp nhà Lê dẹp loạn, vua Lê Tương Dực đã cho xây dựng đền thờ đàng hoàng hơn và sai sử thần soạn văn bia lưu truyền để hương khói thờ phụng với tên gọi “Cao Sơn Đại Vương Từ”.
Do tác động của thời gian, nhiều phần kiến trúc hiện vật thờ tự của Đền bị hư hại. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đền được tôn tạo và hoàn thành năm 2000. Nhưng nhìn toàn cảnh cùng thưởng mục các dấu tích cũ, dễ để hình dung đây vốn là ngôi đền cổ có quy mô khá lớn và kiến trúc tinh tế. Trong các di vật cổ, đặc biệt quí giá là tấm bia đá cao 2,4m rộng 1,57m, dày 0,22m khắc bài tựa “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, cùng với đó là bức chạm khắc gỗ “Cửu Long tranh châu” tuyệt mỹ. Đền còn giữ 39 đạo sắc phong cổ và câu đối quý.
Bia đá đền Kim Liên.
Đền “Cao Sơn Đại Vương” ngoài việc là một di tích lịch sử còn được người dân làng Kim Liên nhiều đời coi là trung tâm hoạt động những việc trọng của làng, vì vậy, ngôi đền mang chức năng như một ngôi đình làng.
Ông Phạm Hồng Việt cho biết thêm, do địa thế nằm trên gò cao, theo truyền thuyết, đền Kim Liên được cho là nằm trên lưng thần Kim Qui. Ngôi đền được người dân thờ phụng, ngưỡng vọng với niềm tin cao cả. Từ bao đời nay, đất Kim Liên đã nuôi dưỡng nên nhiều danh nhân văn hóa, người hiền tài.
Tôi ngưỡng vọng trước tấm bia đá lớn khắc bài ngợi ca công ơn của Thần Cao Sơn. Tấm bia dựng dưới gốc cây si cổ thụ, như gắn vào gốc cây xum xuê rễ. Người nhìn lên vòm cây tưởng có thể nhìn thấu được đáy bầu trời lồng lộng. Ngôi đền đã sống trong niềm tin của con người với những huyền tích bất hủ về người anh hùng vì nước, vì dân.
Thành Sơn/Tạp chí Gia đình và Trẻ em