Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trong tuyển sinh, đào đạo nghề và thực hiện liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương đào đạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Anh Trần Văn An ở thôn Bình Chính, xã An Dân vốn ấp ủ nguyện vọng mở kinh tế trang trại gia đình để phát triển sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi trên chính mảnh đất quê hương của mình. Ban đầu vì chưa có điều kiện về vốn và kinh nghiệm sản xuất nên anh chỉ chăn nuôi, trồng trọt với quy mô nhỏ. Năm 2014, anh tham gia lớp học nghề Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An tổ chức. Thông qua lớp học, anh An đã nắm bắt được kiến thức về phòng trị bệnh cho trâu bò ở các chứng bệnh thường gặp như bệnh tả, tụ huyết trùng, chướng hơi dạ cỏ, lỡ mồm long móng, biết cách chế biến thức ăn, cách trồng cỏ và vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh cho gia súc.
Nếu trước đây, khi chưa qua lớp học nghề, do chưa có kiến thức phòng bệnh nên bò, dê của gia đình anh An thường hay bị dịch bệnh và mỗi lần bò, dê bị dịch anh phải gọi nhân viên thú y đến khám và điều trị. Nay anh An không chỉ biết cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc phòng trừ để tránh dịch bệnh mà còn biết cách chế biến thức ăn đủ dinh dưỡng cho gia súc để nhanh lớn, ít dịch bệnh và khi dịch bệnh xảy ra anh đều chẩn đoán được đúng bệnh và tự mua thuốc về điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Anh Trần Văn An đang tiêm thuốc cho con dê bị bệnh tả.
Khi đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, anh An khá tự tin, bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình kinh tế trang trại gia đình phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất tại địa phương. Ngoài nuôi bò, anh còn mở rộng nuôi thêm dê, hiện đàn dê của anh khoảng 50 con.
Theo tính toán của anh An, chưa tính thu nhập từ bò, chỉ đàn dê, với mức giá 100.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm anh thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Ngoài ra anh còn trồng khoảng 3 ha cây bạch đàn đang bước vào năm thu hoạch. Anh An phấn khởi chia sẻ, nhờ chăm sóc tốt đàn dê, bò và cây bạch đàn mà những năm qua gia đình anh kinh tế khá ổn định. Không chỉ nuôi ba đứa con ăn học, anh còn xây dựng được nhà ở kiên cố và mua sắm tiện nghi gia đình đầy đủ và đã có tích lũy.
Đối với các nghề phi nông nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An khi mở lớp cũng quan tâm đến vấn đề hàng đầu là dạy nghề phải phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất tại địa phương và giải quyết được việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Vì vậy mà trước khi mở lớp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An đã phối hợp tích cực với UBND xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Bên cạnh đó còn liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề có địa chỉ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, tăng thu nhập cho người lao động nhàn rỗi tại chỗ ở nông thôn và việc làm cho thanh niên ở các cơ sở sản xuất đóng tại thành phố Tuy Hòa.
Bà Bùi Thị Ngọc ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây tham gia lớp học nghề mây tre đan vào năm 2014. Sau 3 năm học nghề, bà vẫn ở nhà rảnh rỗi đan các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu do nghệ nhân Thêu Thị Kim Tuyến đặt hàng. Bà Ngọc cho biết, do tuổi lớn, với lại chỉ làm rúc rảnh rỗi khi đồng án ít việc nên mỗi tháng bà chỉ thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Theo nghệ nhân Thêu Thị Kim Tuyến, hiện nay có khoảng 150 lao động ở xã An Ninh Tây sau khi học nghề đều có việc làm từ đơn đặt hàng làm tại nhà của chị. Bình quân thu nhập người lao động khoảng 2 triệu đồng. Có lao động trẻ, tay nghề cao như chị Thục ở thôn Hoài Phú thu nhập mỗi tháng từ 3,5 đến 4 triệu đồng.
Bà Trần Thị Ngọc sau khi học nghề mây tre đan làm việc tại nhà
Theo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 203 học viên gồm: 2 lớp Kỹ thuật chế biến món ăn ở xã An Dân và An Định; 2 lớp May công nghiệp ở xã An Mỹ và An Cư; 1 lớp Mây tre đan ở xã An Ninh Tây; 2 lớp Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò ở thôn Đồng Môn và thôn Đồng Nổ, xã An Hải. Để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, sắp tới Trung tâm sẽ bổ sung biên chế giáo viên cơ hữu dạy các nghề xây dựng, thú y, nuôi trồng thủy sản, nông lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ và tăng cường mở các lớp tập huấn cho giáo viên về tư vấn nghề, giải quyết việc làm, tư vấn việc làm và giải quyết việc làm sau đào tạo.
Khai giảng lớp dạy nghề cho LĐNT ở thôn Đồng Nổ xã An Hải huyện Tuy An