Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, cảnh sát quốc gia Indonesia ngày 24/10 thông báo đã thành lập một đội điều tra đặc biệt để điều tra các trường hợp chấn thương thận cấp tính ở trẻ em.
Người phát ngôn của Cảnh sát Quốc gia, Sr. Comr. Nurul Azizah cho biết đã có gần 150 trường hợp bệnh nhân suy thận cấp tính tử vong. Đây là điều bất thường và có dấu hiệu tội phạm hình sự. Do đó, việc thành lập một đội điều tra đặc biệt làm rõ nguyên nhân là điều cần thiết.
Theo bà Sr. Comr. Nurul Azizah, Giám đốc Đơn vị Tội phạm Ma túy, Chuẩn tướng Krisno Halomoan Siregar sẽ là người chỉ huy đơn vị điều tra đặc biệt.
Đơn vị điều tra đặc biệt sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM).
Ngày 24/10, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) cho biết có thể sẽ tham gia quá trình truy tố hình sự đối với 2 công ty dược phẩm sản xuất các sản phẩm liên quan đến tình trạng tổn thương thận cấp tính (AKI) trong bối cảnh nước này ghi nhận số trẻ mắc bệnh và tử vong từ đầu năm đến nay tăng cao.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc BPOM, bà Penny K. Lukito cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với cảnh sát để điều tra 2 công ty, nhưng bà không nêu đích danh 2 công ty này.
Giám đốc BPOM nhấn mạnh thành phần trong dược phẩm của họ vượt mức cho phép, có tính độc hại cao và nghi là nguyên nhân gây tổn thương thận.
Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 24/10, số trẻ em bị chấn thương thận cấp tính đã tăng lên 245 trường hợp trên 26 tỉnh thành với 141 trường hợp tử vong cho đến nay. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tử vong hơn 57%.
Trước đó, nhà chức trách Indonesia đã ra lệnh thu hồi các nhãn hiệu thuốc siro do chứa lượng ethylene glycol (EG) và diethylene glycol (DEG) nghi là nguyên nhân khiến 141 trẻ tử vong, chủ yếu trẻ dưới 5 tuổi, từ đầu năm nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết các loại siro ho này có thể gây suy thận cấp ở trẻ em và chính phủ đã ban hành lệnh cấm bán tạm thời các loại thuốc bị điều tra cho đến khi có thông báo mới.
Theo giới chức Indonesia, các trường hợp mắc mới đang tăng đột biến từ tháng 8 đến nay và số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng nhanh.
Giải thích nguyên nhân số ca tăng mạnh, ông Budi cho rằng rất có thể do thay đổi nguyên liệu thô trong các chế phẩm. Chính phủ đã có dữ liệu về lô nguyên liệu thô nhập khẩu gần đây và dự kiến sẽ sớm công bố.