Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Indonesia lo thiếu nhà tù vì phần tử cực đoan gia tăng

Khủng bố gia tăng gây áp lực lên hệ thống tư pháp Indonesia. Nước này cũng đối mặt với nguy cơ mất an ninh nghiêm trọng sau khi các tù nhân liên quan tới IS được thả.

 

Giáo sĩ Hồi giáo Aman Abdurrahman tới tòa lĩnh án ngày 22/6. Ảnh: Reuters.

 

Viện Phân tích Chính sách Xung đột (IPAC, trụ sở tại Jakarta) cảnh báo Indonesia sẽ không có đủ cơ sở an ninh để chứa hết các phần tử cực đoan. Trong khi đó, số lượng người bị kết án hoặc đang đợi phiên xử tăng đột biến sau loạt vụ đánh bom tại Surabaya hồi tháng 5.

Nguyên nhân của việc này một phần là do luật chống khủng bố được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 22/6.

“Số lượng tù nhân đang tạo áp lực lớn đối với các trại giam nhưng gánh nặng cũng sẽ sớm chuyển lên vai công tố viên. 26 công tố viên được chỉ định xử lý các vụ án khủng bố đang quá tải. Cuối năm nay, lượng công việc dự kiến sẽ tăng gấp đôi sau khi hồ sơ bắt giữ bên phía cảnh sát được gửi tới”, IPAC cảnh báo.

Theo IPAC, chính phủ Indonesia cần hiểu rõ tác động của sự gia tăng áp lực lên các cơ quan tư pháp như nhà tù, trại giam, tòa án. Nếu các vụ bắt giữ tiếp tục và thủ phạm phải thụ án lâu hơn, hệ thống nhà tù sẽ đạt giới hạn, kể cả với các cơ sở an ninh đang được xây dựng.

Nhà tù Karanganyar, với sức chứa 500 người và công nghệ giám sát 24/24 giờ hiện đại, đang được xây ở Nusakambangan. Hồi tháng 5, giới chức cho biết khu này đã hoàn thành 40%.

Cũng theo báo cáo của viện nghiên cứu, các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nằm trong số 144 tù nhân đã được trả tự do từ tháng 1/2017 hoặc sắp hết thời gian thụ án, trong giai đoạn từ nay tới tháng 12/2019.

“Trong tương lai, Indonesia sẽ phải chuẩn bị cho việc thả nhiều phạm nhân nữa có liên quan tới Syria. Điều này dấy lên quan ngại về khả năng phát triển của ‘mạng lưới cựu thành viên IS’ nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để giám sát sự liên lạc giữa họ với các đầu mối tại Syria”, Sidney Jones, giám đốc IPAC, cho biết.

“Indonesia phải bắt đầu nghĩ về việc chuyện gì sẽ xảy ra khi những người có liên hệ với nhóm ủng hộ IS JAD (Jemaah Ansharut Daulah) được thả. So với những tổ chức khác, có thể sẽ rất khó khăn để kiểm soát nhóm này một khi họ tụ hợp lại với nhau”, Jones khẳng định. 

 

Cảnh sát tuần tra bên ngoài nhà tù tại Depok, phía nam Jakarta. Ảnh: Reuters.

 

JAD là nhóm vũ trang ủng hộ IS, đứng sau một loạt các vụ khủng bố ở Indonesia, gồm những vụ đánh bom Surabaya. Thủ lĩnh Aman Abdurrahman là người truyền bá tư tưởng IS tại quốc gia Đông Nam Á.

Những người này có thái độ thù địch với chính phủ, theo tư tưởng takfiri và bạo lực cực đoan. Takfiri là từ để chỉ những phần tử cực đoan nhìn nhận người Hồi giáo không tuân theo đúng niềm tin là phản đạo. IS sử dụng học thuyết takfiri để biện hộ cho việc sát hại những người không đạt tiêu chuẩn đức tin “chân chính”.

Bên cạnh đó, IPAC cho biết cần tìm cách ngăn chặn tù nhân IS phổ biến tư tưởng cực đoan sau khi được trả tự do. Đồng thời, giới chức nên tính đến khả năng takfiri sẽ chiếm đa số trong nhà tù và đề phòng, không để xảy ra việc cán bộ cai tù thông cảm với khủng bố.

“Trong quá khứ, quan hệ thân thiết giữa nhân viên bảo vệ và phạm nhân đã phát sinh, dẫn đến một số vụ việc vi phạm, ví dụ như các cán bộ thông báo cho tù nhân về ngày giờ khám xét điện thoại”, IPAC cho biết.