"Starlink đã có mặt ở Philippines", tài khoản Twitter của SpaceX đăng dòng trạng thái bằng tiếng địa phương chiều 22/3.
Tỷ phú Elon Musk, CEO SpaceX - công ty đứng sau dịch vụ internet vệ tinh Starlink cũng chia sẻ lại thông tin này.
Trên bản đồ phủ sóng, Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được triển khai dịch vụ. Một số nước như Malaysia, Brunei, Singapore, Indonesia, Campuchia có thời gian dự kiến năm 2023, Lào năm 2024. Trong khi tại Việt Nam và Thái Lan, website hiển thị chưa có thời gian cụ thể và chờ phê duyệt.
Starlink là dịch vụ internet sử dụng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO), từng đưa ra thời gian dự kiến có mặt tại Đông Nam Á vào năm 2022 nhưng phải lùi đến hiện tại. Trang GMA News của Philippines dẫn lời Data Lake - đối tác của SpaceX tại nước này rằng, việc thay đổi lộ trình là do sự chậm trễ trong sản xuất và triển khai các vệ tinh LEO.
Để sử dụng internet từ Starlink, người dùng Philippines phải mua thiết bị phần cứng để thu phát sóng với giá 29.320 Peso (12,6 triệu đồng) và phí thuê bao hàng tháng 2.700 Peso (1,16 triệu đồng). Họ cần đặt hàng và chờ 2-3 tuần trước khi nhận thiết bị và có thể kết nối. Tốc độ tải xuống nằm trong khoảng 50-200 Mbps. Trong khi đó, theo Speedtest, tốc độ internet di động tại Việt Nam là 46 Mbps và băng rộng cố định là 84 Mbps.
So với internet cáp quang, dịch vụ vệ tinh đắt đỏ hơn và thường chỉ được sử dụng ở những nơi khó tiếp cận. "Dịch vụ internet băng thông rộng tốc độ cao, độ trễ thấp thông qua vệ tinh sẽ thay đổi cuộc chơi trong việc kết nối 7.640 hòn đảo của chúng tôi với phần còn lại của thế giới", CEO Anthony Almeda của Data Lake nói tại một sự kiện đầu tháng này.
2 năm trước, người dùng tại Việt Nam cũng xôn xao khi Starlink cho đặt hàng ở Việt Nam. Website của dịch vụ khi đó đưa ra thông điệp "đặt mục tiêu phủ sóng khu vực của bạn vào năm 2022" khiến nhiều người kỳ vọng sắp có thêm hình thức kết nối mới. Tuy nhiên đến nay, website đã gỡ thông điệp trên.
Cơ quan quản lý cũng đánh giá internet vệ tinh là dịch vụ có tiềm năng phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, theo bà Phan Thanh Huyền, Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông, việc triển khai tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như: Dữ liệu của người dùng ở Việt Nam đi thẳng ra nước ngoài và có thể bị doanh nghiệp nước ngoài thu thập, sử dụng bất hợp pháp; nguy cơ mất dữ liệu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng; nguy cơ mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin.
Theo dự thảo luật viễn thông sửa đổi, nếu muốn phủ sóng tại Việt Nam, các dự án internet vệ tinh như Starlink phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về đặt trạm cổng (gateway) vệ tinh tại Việt Nam.
Tính đến giữa 2022, Starlink có khoảng 3.500 vệ tinh hoạt động, cung cấp internet cho 500.000 người dùng tại 37 quốc gia.