Trên một con phố ở rìa phía nam Thẩm Quyến, có hơn 30 cửa hàng gắn logo quả táo màu trắng biểu tượng của Apple tuyên bố nhận đặt mua iPhone 6s và 6s Plus. Thoạt nhìn, trông chúng chẳng khác gì Apple Store thứ thiệt, từ logo cửa hàng cho đến đội ngũ nhân viên mặc áo phông màu xanh, các iPad và iWatch hàng mẫu được trưng bày trên bàn gỗ bóng bẩy.
Thế nhưng Apple chỉ có duy nhất một cửa hàng chính hãng tại Thẩm Quyến cùng 5 đại lý ủy quyền chính thức ở khu vực này mà thôi. Điều đó đồng nghĩa với 30 cửa hàng nói trên đều là đại lý "rởm", mặc dù họ có thể bán sản phẩm Apple thật.
Điều đáng nói là số lượng các đại lý rởm này đang mọc lên như nấm sau mưa ngay trước ngày 25/9, thời điểm mà iPhone 6s và 6s Plus được mở bán chính thức tại Trung Quốc cùng nhiều thị trường khác. Rõ ràng, thương hiệu Apple rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Quý II vừa qua, Trung Quốc thậm chí còn là thị trường tiêu thụ iPhone lớn nhất thế giới.
"Đội quân Apple fan rất đông đảo tại Trung Quốc", một kế toán viên họ Châu cho biết. Anh này đang làm việc cho một trong những đại lý rởm vừa khai trương cách đây 2 tuần và cho biết thêm: "Có rất nhiều người Trung Quốc sẵn sàng chi thêm tiền để được sở hữu iPhone mới trước những người khác".
Một cửa hàng bán iPhone 6s nhái tại Trung Quốc
Nguồn cung hàng iPhone 6s nhái trong đợt đầu mở bán thường khan hiếm và ít hơn so với sức cầu, nhất là trong những năm mà iPhone có sự thay đổi rõ rệt về thiết kế. Năm nay, iPhone 6s và 6s Plus không khác gì model năm ngoái về kiểu dáng, nhưng được bổ sung thêm 3D Touch, camera nâng cấp... Tại Trung Quốc, sẽ chỉ có hàng dành cho những ai đã đặt mua và giữ chỗ trước đó qua mạng, còn khách hàng vãng lai vào cửa hàng sẽ không thể mua được. Apple cũng cho biết lượng đặt mua tại đây đã vượt quá khả năng đáp ứng của hãng.
Chính vì tình trạng này mà các đại lý rởm đã khai thác, tận dụng triệt để. Họ mua iPhone chính hãng qua các kênh ủy quyền chính hãng, sau đó bán lại với giá cao để ăn chênh lệch. Có khi giá bán đắt gấp đôi nhưng nhiều người dùng vẫn sẵn lòng mua, thay vì phải chờ vài tuần.
Những cửa hàng này cũng nhận đặt hàng iPhone mới và cam kết sẽ giao hàng trong ngày hôm nay, 25/9. Họ cử người đi mua iPhone mới trên toàn Trung Quốc và cả những thị trường nước ngoài như Mỹ và Hong Kong, sau đó xách về Trung Quốc.
Apple từ chối bình luận về các cửa hàng Apple xách tay kiểu này, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, chính sự hiện diện của chúng đã giúp quảng bá thương hiệu cho Táo khuyết tại một thị trường rộng lớn như Trung Quốc. Nên biết rằng hiện mới có 22 Apple Store ở nước này mà thôi.
Nhưng không chỉ có các cửa hàng Apple tự phát mọc lên như nấm, mà iPhone nhái cũng vậy. Không có cửa hàng nào bên trong trung tâm thương mại chuyên bán đồ công nghệ ở Thẩm Quyến trưng bày iPhone 6s công khai. Nhưng khi bạn hỏi, người bán sẽ chạy vào kho, lấy ra 2 mẫu iPhone nhái. Bạn sẽ phải đợi khoảng nửa tiếng.
Có giá bán iPhone 6s nhái chỉ 580 tệ, tức là gần 2 triệu đồng, chúng rẻ bằng 1/10 so với giá bán chính hãng. Phiên bản màu vàng nhìn khá giống thật, có cả logo chữ S khắc chìm ở mặt sau. Thế nhưng người bán cảnh báo rằng chúng sẽ chạy hệ điều hành Android dù màn hình hiển thị rất giống iOS. Máy chạy chậm chạp, ì ạch và ảnh chụp thì mờ tịt. Tuy vậy, anh ta nói: "Nếu chần chừ sẽ chẳng có hàng để mua. Chúng tôi đã bán được hơn 100 máy trong chưa đầy 1 tuần qua".