Một nạn nhân được cảnh sát đưa ra khỏi hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Reuters |
Nửa đêm 13/11 (giờ Paris, tức 6h sáng giờ Việt Nam), một loạt vụ xả súng và gây nổ xảy ra ở thủ đô Paris của Pháp, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, cả nước Pháp bị đặt trong tình trạng báo động, toàn bộ biên giới đóng cửa.
6 vụ xả súng, ba vụ nổ diễn ra gần như đồng thời ở Paris, khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande phải gọi đây là một cuộc tấn công "chưa từng có tiền lệ" vào nước Pháp, và nhấn mạnh thủ đô Paris đang đứng trước "tình thế lịch sử". Nhà báo Pháp Julien Pearce đang có mặt trong phòng hòa nhạc Bataclan thì thốt lên: "Đây là một cuộc tắm máu". Ít nhất 100 người đã bị những kẻ khủng bố bắn chết trong phòng hòa nhạc này.
Theo một số chuyên gia phân tích, vì chưa tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cảnh sát Pháp cũng mới chỉ kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở phòng hòa nhạc Bataclan, việc đưa ra kết luận về thủ phạm và động cơ khủng bố là vẫn còn quá sớm.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Anshel Pfeffer của tờ Haaretz thì cho rằng những vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời ở ít nhất 7 địa điểm như thế này chỉ có thể là sản phẩm đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng của một tổ chức khủng bố, bởi chúng cần phải có thời gian tập hợp vũ khí và chất nổ.
Pfeffer cho rằng vụ khủng bố này có thể ít nhiều liên quan đến những sự kiện xảy ra trong vài ngày gần đây, đặc biệt là khi báo chí loan tin máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt tên đao phủ Mohammed Emwazi, được gọi là "phiến quân John" của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) một ngày trước đó.
Chuyên gia này nhận định thông tin về cái chết của Emwazi có thể là động lực thúc đẩy các phần tử khủng bố hành động, sau khi chúng đã lên kế hoạch hành động và chuẩn bị các công cụ, phương tiện cần thiết để gây tội ác.
Theo đó, hai tổ chức đáng ngờ nhất hiện nay là al-Qaeda và IS, với những phần tử khủng bố đã từng gây ra nhiều vụ tấn công ở nước Pháp và châu Âu trong năm qua, trong đó có vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một.
Theo Pfeffer, mức độ phối hợp ở trình độ cao của các nghi phạm trong đợt tấn công này khiến ông nghi ngờ thủ phạm chính là phiến quân al-Qaeda, dù lần cuối cùng tổ chức khủng bố này thực hiện vụ tấn công ở quy mô như vậy là vụ đánh bom tàu điện ngầm và xe bus ở London tháng 7/2005.
Chuyên gia về khủng bố này cho rằng gần đây, al-Qaeda đã thay đổi chiến thuật tấn công khủng bố, và vào năm 2013, thủ lĩnh Ayman al Zawahiri của nhóm này cảnh báo rằng các mục tiêu bị tấn công có thể là nơi có cả "người Hồi giáo vô tội".
Ông Pfeffer lo ngại rằng IS có thể đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư gần đây ở châu Âu để cài cắm các đặc tình và gây ra vụ khủng bố này, dù các phần tử IS lọt được vào châu Âu mới chỉ đang trong giai đoạn xâm nhập và tạo vỏ bọc.
Đến nay tất cả các vụ khủng bố ở châu Âu có liên quan đến IS đều là những vụ tấn công dạng "sói đơn độc" bằng các loại vũ khí thô sơ hoặc súng đạn thông thường, chưa có những chiến dịch tấn công được lên kế hoạch và điều phối bài bản.
Nhân viên cứu hộ đưa người bị thương tới bệnh viện. Ảnh: Reuters |
Thảm kịch này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi chiếc máy bay Nga rơi ở Sinai, khiến 224 người thiệt mạng. Nhiều cơ quan tình báo nghi ngờ chính IS ở Ai Cập đã thực hiện vụ gài bom trên chiếc máy bay xấu số.
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, phiến quân IS đã ăn mừng trên mạng và lan truyền cụm từ "Paris bốc cháy" trên mạng xã hội. Theo Fox News vàSky News, một trong những nghi phạm bị bắt đã khai với cảnh sát Pháp: "Tôi là thành viên IS". AFP cho hay có nhân chứng khẳng định một kẻ tấn công đã đề cập đến chiến dịch quân sự của Pháp ở Syria.
Nếu vụ tấn công ở Paris có liên quan đến IS, chứng tỏ nhóm khủng bố này đã bắt đầu thay đổi chiến lược, chuyển hướng ưu tiên từ xây dựng một Caliphate ở Iraq và Syria sang truyền bá tư tưởng và hành động jihad sang các quốc gia phương Tây đang tham chiến chống IS ở Trung Đông. Cả Nga và Pháp đều đang thực hiện chiến dịch không kích chống IS ở Syria và Iraq.
Theo Pfeffer, đây rất có thể là thời điểm cuộc chiến ở Syria đã bị "xuất khẩu" sang châu Âu. Nó là tín hiệu cấp bách cho thấy cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria diễn ra ở Vienna ngày hôm nay phải có kết quả tích cực càng sớm càng tốt, nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria và mối đe dọa khủng bố ở châu Âu.
Cuộc "tắm máu" ở Paris cũng cho thấy một thực tế rằng các cơ quan an ninh của Pháp và trên toàn châu Âu vẫn để lộ nhiều lỗ hổng trước các phần tử cực đoan. Dù Pháp và nhiều nước châu Âu đã tăng cường giám sát các phần tử jihad bị tình nghi, đặc biệt là những công dân trở về từ Syria, vụ tấn công với quy mô lớn vẫn có thể diễn ra trước sự bất ngờ của cảnh sát và các cơ quan tình báo.
Thực tế này cho thấy bất chấp các nỗ lực an ninh của Pháp và châu Âu, ít nhất một tổ chức khủng bố vẫn có thể duy trì sự hiện diện lớn với mức độ tổ chức cao ngay trong lòng nước Pháp suốt thời gian qua. Điều đó đặt ra câu hỏi cho chính phủ Pháp về những gì họ đã làm nhằm bảo vệ người dân trước mối đe dọa khủng bố ngay trong lòng quốc gia của mình.
Vụ khủng bố này chắc chắn sẽ làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong lòng châu Âu về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, khi hàng trăm nghìn người tỵ nạn Syria vẫn đang ùn ùn kéo đến châu lục này. Cuộc khủng hoảng nhập cư này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, khi hàng trăm công dân châu Âu vô tội ngã xuống trước họng súng của những phiến quân Hồi giáo hô vang khẩu hiệu "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại).