Gặp Jang Kều trong buổi đấu giá tranh gây qũy cho dự án Nhà chống lũ, tôi cảm nhận từ nụ cười rạng rỡ của người phụ nữ có mái tóc xoăn tít một nguồn năng lượng dồi dào và sự lan tỏa bởi chất giọng âm vang.
Được biết, sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội rồi lấy bằng thạc sĩ ngành Tài chính và Kinh doanh Quốc tế tại Hàn Quốc, Phạm Thị Hương Giang về Việt Nam thành lập vài công ty, lấy chồng, sinh con. Nhìn vào ai cũng tưởng cuộc sống như vậy là viên mãn lắm rồi. Nhưng từ tiết lộ của Giang trong Forbes Vietnam Women's Summit 2019, có một thời gian chị không cảm thấy hạnh phúc vì bị mất phương hướng. Và nếu không nhờ nụ cười rạng rỡ của cậu con trai Taka khi "nhặt nắng" hẳn chị đã không thức tỉnh, hoặc nếu chậm thay đổi, có khi tinh thần đã bị kiệt quệ
Chia sẻ điều đó, Giang kể: Vào thời gian đó, một mình quản lý hơn chục công ty đồng thời còn phải chăm sóc cậu con trai bị tự kỷ. Cũng giống như những người mẹ có con mắc chứng bệnh tự kỷ, Giang luôn mong muốn bằng mọi giá để con trở thành những đứa trẻ bình thường. Mình đã mang con đi khắp nơi, tới những vùng đất xa xôi và làm những thứ mà mình từng không tin, như "tìm kiếm linh hồn" của con trai ở tận xứ Basque - Tây Ban Nha. Và rồi mỗi khi về nhà, lại bắt đầu uốn nắn con trai với những mệnh lệnh kiểu "con phải làm thế này, con không được làm thế kia".
"Cho đến một ngày, một người bạn ở Hà Nội vào chơi và tặng tôi một bó hoa theo mùa mà Hà Nội mới có. Tôi rất vui! Vì vui nên tôi để con trai tự chơi theo ý thích, muốn làm gì thì làm. Trong lúc trò chuyện, tôi và bạn mình thấy con trai tôi "nhặt nắng" và cười rất vui vẻ. Chưa bao giờ tôi lại thấy con hạnh phúc như thế! Nếu là thường ngày, tôi sẽ nghĩ đó là một hành động vô nghĩa, nhưng với tâm trạng thoải mái hôm đó, tôi thấy hành động đó thật đẹp. Tôi và bạn cùng thốt lên: "Taka đang nhặt nắng kìa".
Chính điều đó đã khiến Jang Kều nhận ra: "Người ta chỉ hạnh phúc khi làm điều mình muốn và vì tôi chưa hạnh phúc, nên tôi không thể khiến con trai hạnh phúc. Rằng, mỗi người khác nhau nên làm những điều khác nhau, chỉ cần chúng khiến chúng ta vui vẻ, thoải mái là được", Jang Kều hồi tưởng.
Sau đó, Jang Kều ngồi xuống và tự vấn bản thân: Điều gì khiến mình hạnh phúc. Thế rồi, chị chợt nhớ đến những niềm vui mà mình có được từ những lần tham gia các dự án cộng đồng hay giúp đỡ các bạn cùng lớp đóng học phí thời sinh viên…
"Trước tôi và nhóm bạn rất hay đi từ thiện. Cứ ở đâu có lũ là chúng tôi đến để cứu trợ. Cho đến năm 2009, khi chúng tôi đến huyện Đại Lộc, Quảng Nam chứng kiến hình ảnh tang thương sau trận lũ khiến tôi không thể nào quên. Từ đó, tôi quyết định phải nghĩ đến một mô hình làm sao để có một ngôi nhà an toàn cho bà con vùng lũ. Mãi đến năm 2013, cơn lũ lịch sử nữa lại đến và bên cạnh những hình ảnh mất mát đau lòng thì một ngôi nhà đặc biệt đã được chia sẻ trên trang cá nhân. Đó là ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên 6 cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước. Ấy là công trình mà Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng người hàng xóm ở quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) của mình. Lúc này tôi nghĩ mình phải làm ngôi nhà như thế này", Jang Kều kể.
Nhà đầu tiên dự án Nhà chống lũ hỗ trợ đó là nhà bà Hồ Thị Nga ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khi đó Jang Kều đến nhà bà Nga chứng kiến căn nhà sắp đổ, mọi thứ mục nát hết cả, nhưng khi ngước lên thấy cái quan tài trên gác xép. Thấy vậy, Jang Kều đã hỏi bà chủ về chiếc quan tài đó. Bà kể cách đây 3 năm lũ cao quá, bà với ông phải núp trên gác xép, lũ lâu quá, ông chết, bà ôm xác ông trên đó, phải cuốn ông bằng chiếc chiếu đem chôn. Bao nhiêu năm bà tích cóp quan tài để ít ra chết còn có cái để chôn.
"Tại sao mong ước của một con người lại kinh khủng như thế? Kiểu gì cũng phải giúp bà, nhưng không thể dùng hết tiền của mình. Lúc đó trong túi bà Nga chỉ có 10.000 đồng cùng căn nhà gỗ xiêu vẹo có thể sập bất cứ lúc nào. Nhà chống lũ phải cần ít nhất 25 triệu vốn đối ứng mới có thể giúp xây nhà, lấy tiền đâu để làm? Thế là sau khi tìm hiểu, chúng tôi động viên cụ dỡ căn nhà, bán đống gỗ được 10 triệu, thuyết phục 3 người con gái đi lấy chồng xa mỗi người 6 triệu nữa là 28 triệu, bắt đầu xây nhà", Giang nhớ lại.
Chia sẻ về việc khởi nguồn ý tưởng xây dựng các ngôi nhà chống lũ, Jang Kều cho biết: "Với hầu hết người dân họ đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi nơi khác. Vậy nên tôi sẽ xây lại chính ngôi nhà của họ đã bị sập nhưng có khả năng chống lũ, chống bão. Với Nhà chống lũ, chúng tôi không cho họ nhà, chúng tôi hỗ trợ họ xây nhà. Điều này đồng nghĩa với việc nằm trong diện khó khăn, họ cần đóng góp ít nhất 50% số vốn đối ứng. Họ sẽ phải nghĩ cách xoay xở, lo tài chính, tham gia từ quá trình thiết kế cho đến lên kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu và thuê nhóm thợ thi công.
Đến nay, qua hơn 5 năm phát triển, Quỹ Sống Foundation với dự án Nhà chống lũ đã xây được gần 700 căn giúp 3.500 người an toàn trước thiên tai, đến với 11 địa phương trên cả nước hoàn toàn nhờ vào việc gây quỹ thành công gần 30 tỷ đồng từ cộng đồng. Trong đó, năm 2018 Dự án Nhà chống lũ đã xây dựng 523 căn nhà, ước tính hỗ trợ trực tiếp cho 2.092 người có được đời sống an toàn trước thiên tai. Riêng năm 2017, dự án Nhà chống lũ cùng người dân hoàn thành 200 căn nhà tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, miền Tây; 120 gia đình và cơ sở trường học, y tế tại Tam Hiệp (Bến Tre) được hỗ trợ bồn nước; số hộ được hỗ trợ sinh kế nuôi dê và vịt là 50 hộ.
Mô hình thiết kế nhà chống lũ
Theo kế hoạch năm 2019, Quỹ Sống Foundation sẽ xây dựng 150 ngôi nhà an toàn, 11 mô hình nhà, hoàn thành mô hình "Làng Hạnh phúc" tại Hội An, bắt đầu 3 ngôi "Làng Hạnh phúc" mới, thực hiện 6 chương trình đào tạo nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và trong khuôn khổ Dự án Hạnh phúc Xanh sẽ trồng mới 51.000 cây xanh ở khu vực thành thị và ven biển, ven sông.
Mới đây, Tạp chí Forbes Vietnam đã công bố danh sách 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất năm 2019. Cùng với Hoa hậu H'Hen Niê (Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017, top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018) và Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 - Miss International Queen Nguyễn Hương Giang, bà Phạm Thị Hương Giang nằm trong danh sách trên với những cống hiến to lớn trong hoạt động thiện nguyện xã hội.
Chia sẻ về những dự định của mình trong tương lai, Jang Kều nói: Cái nhà chỉ là cánh cửa khơi dậy niềm tin của người ta để dựng lại đời mới. Điều chúng tôi hướng tới là cuộc sống bền vững gồm ba chương trình hành động: Một là cộng đồng bền vững về vật chất; có nhà an toàn rồi thì bắt đầu làm về ánh sáng, nhà vệ sinh, nước sạch... Thứ hai là môi trường bền vững, gồm cây xanh và rác thải. Chương trình bắt đầu từ người dân đô thị, biến việc trồng cây thành văn hóa - dự định năm nay sẽ thí điểm ở TP.HCM. Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được cha mẹ trồng tặng một cây xanh, tương đương 1 đơn vị hạnh phúc. Đứa trẻ lớn lên sẽ được ba mẹ hướng dẫn chăm sóc cây, khơi gợi lòng yêu thiên nhiên. Chúng tôi tìm đến diện tích đất công của các địa phương để trồng cây, rồi kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp… Và cuối cùng là thay đổi nhận thức người dân, tập cho họ chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ gia đình mình, chủ động giúp đỡ người khác. Họ là người tự giải quyết những vấn đề của mình; nếu có sự giúp đỡ thì đó chỉ là sự cộng hưởng.
"Những dự án như Nhà chống lũ hay những dự án có ý nghĩa khác sẽ là nguồn cảm hứng cho những người chưa làm, hãy bắt tay vào làm, những người đã làm thì hãy tự tin và làm tốt hơn, bền vững hơn", cô gái nhỏ nhắn với mái tóc xù mì chia sẻ.
Bài: Châu Anh
Đồ họa: Việt Nga