Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kênh phản hồi độc lập về triển khai Gói Hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Người dân sẽ đưa ý kiến phản hồi bằng cách điền thông tin vào phiếu khảo sát trên trang web hoặc gọi tới đường dây nóng. Các cán bộ trực đường dây nóng của kênh giám sát độc lập M-score sẽ hỗ trợ người dân điền phiếu hỏi và ghi nhận các ý kiến phản hồi. Các ý kiến phản hồi sẽ được tổng hợp và gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý nhằm thúc đẩy hiệu quả của gói hỗ trợ.

Cơ chế giám sát này sẽ quan tâm tới việc hỗ trợ cho bốn nhóm đối tượng đặc biệt bao gồm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, người nghèo/cận nghèo.

Bà Nguyễn Thu Giang, trưởng Ban điều hành M.net cho biết sáng kiến này được triển khai đồng loạt trên các tỉnh thành mà M.net đang hoạt động, bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng. Ngoài ra, cơ chế này cũng được triển khai ở các tỉnh thành khác thông qua các tổ chức xã hội khác như Mạng lưới Tiên phong vì Tiếng nói người Dân tộc thiểu số và Liên minh Minh bạch Ngân sách.

“Hàng tuần và hàng tháng, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và chuyển phản hồi của người dân về gói hỗ trợ tới chính quyền địa phương các cấp và số điện thoại đường dây nóng 111 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để chính quyền địa phương và Bộ kịp thời đối chiếu, kiểm tra, phản hồi ý kiến của người dân, đồng thời đưa các điều chỉnh chính sách hay cách thức thực hiện, đảm bảo Quyết định 15/2020-TTg được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả”.

Gói Hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng được coi là Gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Chị Trần Thị Hiền, 43 tuổi, quê Nam Định, làm nghề thu gom phế liệu ở Hà Nội cho biết: “Gói hỗ trợ của Chính phủ thực sự là cứu cánh những người lao động tự do như tôi”.

Tuy nhiên, chị cũng băn khoăn không biết liệu mình có được nhận những đồng tiền ấy hay không. Chị Hiền đã điền đơn hai lần; lần gần nhất vào cuối tháng 5 năm 2020, nhưng vẫn chưa có kết quả. Chủ nhà trọ cho biết chị sẽ cần về quê để nhận tiền, nhưng bà con ở quê thì bảo chỉ những người ở độ tuổi nào đó mới được nhận thôi. Chị Hiền than phiền: “Thủ tục quá phức tạp!”.

Sáng kiến về kênh phản hồi này của người dân nằm trong Chương trình An sinh xã hội do Oxfam triển khai cùng M.net. Chương trình có mục đích hỗ trợ cho nhóm lao động di cư từ nông thôn ra đô thị được tiếp cận tốt hơn đến các dịch vụ an sinh xã hội tại đô thị. Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết: “Oxfam đặc biệt quan tâm tới quyền và lợi ích của người nghèo và người yếu thế. Sáng kiến này sẽ tạo thêm cơ hội để người dân thuận tiện và tự tin gửi ý kiến phản hồi, từ đó chính quyền địa phương sẽ có thông tin chính xác, kịp thời và có chất lượng để cung cấp dịch vụ được tốt hơn”.

Sáng kiến này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm hợp tác thành công của Oxfam tại Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Bộ Y tế trong triển khai kênh phản hồi độc lập của người dân về chất lượng dịch vụ hành chính công và y tế trên các tỉnh thành M-Score, từ 2015 đến 2019.
 

Dự án “Dân Chấm Điểm” (viết tắt theo tên tiếng Anh là M-Score) tạo ra một cơ chế mới để người dân và doanh nghiệp phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công, thông qua các cuộc gọi, đường dây nóng và máy tính bảng, do tổ chức Oxfam triển khai cùng Hội đồng Nhân dân tỉnh   Quảng Trị và Quảng Bình từ năm 2015 và với Bộ Y tế từ năm 2017. Dự án đã tạo ra kênh đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp cơ sở, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước.
 

Vân Nhi/ GĐTE