Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm thủy sản hai nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp của hai nước tìm hiểu, trao đổi và hợp tác phát triển.
Tính đến cuối năm 2018, với khoảng 1.800 doanh nghiệp đang hoạt động cùng 9,5 tỷ USD vốn đầu tư, Nhật Bản đang dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 37,9 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản khoảng 3 tỷ USD (chiếm 7,9% tổng kim ngạch).
Trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản đạt 25,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, các mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản chính ước khoảng 1,9 tỷ USD (thủy sản 942,7 triệu USD; rau quả đạt 80,5 triệu; gỗ và các sản phẩm gỗ 872,9 triệu và một số sản phẩm khác có tiềm năng gia tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường này như: Hạt điều, cà phê, hồ tiêu, sắn…).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nhật Bản một số mặt hàng như: Rau quả, sản phẩm sữa, thủy sản, gỗ…; giá trị nhập khẩu 8 tháng năm nay đạt hơn 350 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản nhằm phổ biến đến doanh nghiệp hai nước, các hiệp hội, ngành và các địa phương về các quy định liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư nông nghiệp giữa doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, diễn đàn còn là nơi để doanh nghiệp hai nước giao thương, tìm kiếm các cơ hội thương mại và đầu tư thực tế.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc... đáp ứng khả năng cạnh canh trong xu thế hội nhập quốc tế; đồng thời, tăng cường các biện pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại của các nước...