PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đổi thay từ Nghị quyết 37
Báo cáo tại Hội nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, các mục tiêu, chỉ tiêu về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành và vượt so với kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của toàn vùng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm: Đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động; các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ; theo dõi, cập nhật tình hình lao động - việc làm, biến động trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; các doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô, ngừng sản xuất, phá sản…, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời có giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh. Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, một số thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng hàng năm cao như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài của các tỉnh từng bước được nâng cao. Công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng.
Giai đoạn 2006 – 2018, toàn vùng đã giải quyết việc làm cho 2,174 triệu lao động; 6 tháng đầu năm 2019, giải quyết cho 710.000 lao động. Từ năm 2010 đến hết tháng 4/2019, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 291.816 lượt người thất nghiệp, giải quyết hỗ trợ học nghề cho 3.856 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vùng tăng đều qua từng năm (năm 2014: 39,64%, năm 2015: 41,66%, năm 2016: 42,79%, năm 2017: 45,29%, năm 2018: 47,31%).
Về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Giai đoạn 2009 - 2013, số lượng cơ sở dạy nghề tăng 2,5 lần, đạt 247 cơ sở (năm 2013), đặc biệt là số lượng trường cao đẳng tăng 2,5 lần. Giai đoạn 2014 đến nay, vùng có 301 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chiếm 16% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước. Trong đó, có 04 trường đã được lựa chọn để ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2020.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao các kết quả về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua
Công tác tuyển sinh trung cấp, cao đẳng toàn Vùng từ năm 2014 đến tháng 12/2018 đạt 202.661 người. Tỷ lệ người học trình độ cao đẳng, trung cấp tốt nghiệp giai đoạn 2014-2018 khoảng 158.076 người. Chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có bước chuyển biến tích cực, người học sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo đạt tỷ lệ cao và có thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 86,5%.
Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội: Giai đoạn từ 2005 – 2020, ngân sách trung ương bố trí cho các tỉnh miền núi phía bắc với tổng số kinh phí 46.692,756 tỷ đồng. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chính sách và chương trình giảm nghèo, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ nghèo các tỉnh trong vùng giảm nhanh, từ 38,72% (2005) xuống còn 31,38% (2010); 25,77% (2015) và 15,82% (2018). Tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, các xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 07 huyện thoát nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 72 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khu vực đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng – Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đánh giá về kết quả giảm nghèo của vùng
Đến năm 2018, toàn vùng có gần 700.000 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT của khu vực là gần 4.000 tỷ đồng. Khoảng 5.000 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức nuôi dưỡng khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Một số hạn chế và phương hướng thời gian tới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả ấn tượng làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, Vùng trung du miền núi Bắc Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực của ngành; đặc biệt là về chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo tương đối cao làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển của cả vùng.
Ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính phát biểu
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của vùng:
Thứ nhất, tập trung thực hiện thật tốt các nhiệm vụ đột phá, đặc biệt là về chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm bền vững, trong đó cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội; rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thay thế chính sách mới cho phù hợp với đặc thù của Vùng. Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiệu quả, chú trọng kết nối cung - cầu lao động, đưa ra dự báo, chiến lược dài hạn, ngắn hạn và từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Triệu Văn Lạc, Trưởng Ban Dân tộc Lạng Sơn phát biểu
Thứ hai, ưu tiên thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Thứ ba, các đơn vị, địa phương tăng cường bám sát thực tế; kịp thời nắm bắt những diễn biến bất lợi; chủ động dự báo và đề xuất các biện pháp xử lý những vấn đề nảy sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề xuất các giải pháp cụ thể, kiên trì thực hiện các mục tiêu để đảm bảo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Bài và ảnh: Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em