Công tác điều trị và kết quả cai nghiện
Nơi đây có vị trí địa lý biệt lập với khu dân cư, xung quanh là hồ nước với một con đường vào duy nhất, thuận lợi cho công tác quản lý học viên. Do tính đặc thù là đón học viên tự nguyện đến cai nghiện ma túy nên công tác quản lý học viên được thực hiện theo quy chế của Cơ sở. Số học viên năm 2019 chuyển sang năm 2020 là 52 người. Dịp đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 tháng đầu năm, Cơ sở không tiếp nhận học viên. Tuy nhiên, trong 11 tháng (tính đến 30/11/2020) Cơ sở đã tiếp nhận 61 lượt học viên, đạt 122% so với Quyết định của UBND huyện về thực hiện kế hoạch cai nghiện tự nguyện năm 2020.
Ngay khi tiếp nhận đối tượng, Cơ sở tiến hành lập hồ sơ và phân loại học viên, mức độ nghiện, tiền án, tiền sự để lên kế hoạch sắp xếp buồng ở cho phù hợp, thuận tiện trong công tác quản lý và giáo dục. Sau đó, học viên được kiểm tra sức khỏe để theo dõi và thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc theo phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, học viên còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, tìm hiểu các quy định của pháp luật về cũng như tác hại của ma túy, mại dâm. Ngoài ra, công tác dạy nghề hướng nghiệp và tổ chức lao động trị liệu, tạo việc làm cho học viên có sức khỏe và nhu cầu học nghề cũng được Cơ sở đặc biệt quan tâm.
Học viên lao động trị liệu tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên.
Công tác tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe, điều trị cắt cơn giải độc cho học viên theo đúng quy trình, định kỳ, thường xuyên kiểm tra chất ma túy bằng que thử cho học viên đang cai nghiện tại đơn vị; đã xét nghiệm ma túy đột xuất 03 đợt cho 131 lượt học viên có mặt; kết quả 100% học viên vào điều trị đều dương tính ma túy và 100% học viên hết hạn Hợp đồng về với gia đình đều âm tính ma túy; tổ chức 03 đợt lấy mẫu máu với 54 học viên gửi đi xét nghiệm để phát hiện HIV, đã phát hiện 01 trường hợp học viên mới dương tính với HIV; làm sổ để học viên được cấp thuốc ARV kéo dài. Cơ sở luôn duy trì cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát; điều trị tốt các bệnh thông thường cho học viên. Kết quả học viên sau khi điều trị ra khỏi Cơ sở trở về gia đình sức khỏe đều tốt, tăng cân so với lúc vào điều trị. Cơ sở cũng thường xuyên lấy phiếu thăm dò, tham khảo ý kiến của các học viên để nắm được tình hình sức khỏe, chế độ lao động trị liệu và chế độ chăm sóc, điều trị với mỗi học viên, để từ đó nắm được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị đề xuất của từng học viên; thực hiện tốt công tác phòng dịch Covid-19 như thường xuyên phun khử trùng, khử khuẩn, không để dịch bệnh xảy ra.
Chú trọng tổ chức lao động trị liệu
Cơ sở tổ chức các mô hình lao động trị liệu phù hợp với sức khỏe và dạy nghề cho học viên như: Mở lớp học nghề mây tre đan, chọn 20 học viên có thời gian dài để dạy nghề, chăm sóc và thu hái sản phẩm từ vườn chè thực hành, trồng rau, chăn nuôi lợn, bổ sung mua cá giống thả ao, kịp thời mua gà, vịt, để dự trữ thực phẩm tự cấp, thay đổi bữa ăn hàng ngày, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho cán bộ và học viên ăn tại đơn vị; cải tạo lại vườn rau theo mùa vụ; khai thác lấy phân xanh, tận dụng, sử dụng hiệu quả nguồn phân chuồng. Trong năm đã mua mới 01 máy cày (kéo) kèm thùng để phục vụ sản xuất, dùng máy để phay đất và kéo, chở đất để phục vụ tăng gia sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo việc làm, tổ chức cho học viên lao động trị liệu tại đơn vị.
Tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho học sinh Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Để học viên yên tâm cai nghiện, những tháng đầu năm vào dịp Tết Nguyên đán, Cơ sở đã tổ chức cho học viên vui xuân, đón Tết tại đơn vị an toàn, lành mạnh đảm bảo đủ khẩu phần ăn cho học viên theo đúng phong tục Tết cổ truyền và bảo quản tốt thực phẩm cho học viên ăn trong những ngày Tết; tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao giữa buồng, phòng ở và các học viên, tạo cho học viên không khí vui vẻ; cho học viên ăn tết các ngày lễ lớn như: Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3, ngày 30/4 - 1/5 và ngày mùng 2/9… đúng chế độ quy định. Tổ chức gia đình thăm gặp học viên theo quy định; bố trí cán bộ tiếp nhận, kiểm tra quà, đồ của gia đình gửi cho học viên chặt chẽ, an toàn không để thẩm lậu ma túy vào Cơ sở dưới mọi hình thức; Cơ sở đã tổ chức trồng cây xanh, cây ăn quả xung quanh khuôn viên trong dịp Tết Nguyên đán và luôn phát triển nhân rộng tiếp theo; cho học viên làm đất mở rộng diện tích trồng sắn để phục vụ chăn nuôi.
Cơ sở đã mở lớp dạy nghề mây tre đan, tuyển hơn 20 học viên còn thời hạn dài để đào tạo nghề. Phân công đồng chí Phó Giám đốc chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc dạy nghề cho học viên, theo dõi quản lý sản phẩm thực hành. Trao đổi về việc cai nghiện cho học viên, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Bí thư Chi bộ Cơ sở cho biết: Để cho người nghiện từ bỏ được ma túy, thì việc tuân thủ phác đồ điều trị và ý trí quyết tâm của các học viên là bước đệm quan trọng. Ngoài ra, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, người thân… trong việc quản lý đối tượng sau cai, tạo điều kiện về việc làm để giúp người nghiện có thể ổn định cuộc sống, đoạn tuyệt với ma túy, trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội, xây dựng cuộc sống mới bình an.
Lê Đức Hạnh/GĐTE