Sáng nay (24/7), PGS. TS Võ Sĩ Tuấn cho biết, các nhà khoa học của Viện Hải dương học vừa kết thúc chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải tại Bình Thuận.
Theo đó, chuyến khảo sát được thực hiện bởi 9 chuyên gia, nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang và kết thúc vào hôm thứ 6 tuần trước (21/7) sau khi kéo dài 4 ngày.
Phạm vi khảo sát rộng 30 ha tại vùng biển dự kiến nhận chìm thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên.
Theo TS Võ Sĩ Tuấn, có 4 nội dung khảo sát đã được thực hiện, gồm: đo đạc, vẽ bản đồ địa hình; quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích và lấy mẫu sinh vật đáy trong trầm tích.
“Mấy ngày nay, anh em đang xử lý số liệu. Sáng mai (25/7), tôi sẽ báo cáo sơ bộ với Bộ Tài nguyên & Môi trường. Sơ bộ nhé vì mẫu chưa phân tích hết nhưng sẽ có một báo cáo sơ bộ”, ông Tuấn khẳng định.
Viện trưởng Viện Hải dương học từ chối cho biết kết quả sơ bộ sau chuyến khảo sát vì phải báo cáo cho Bộ Tài nguyên & Môi trường trước.
Khu vực biển được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất tại Tuy Phong, Bình Thuận (Ảnh - Trúc Hà)
Trước thắc mắc rằng, hiện nay một số chuyên gia có ý kiến cho rằng, việc khảo sát, thu thập số liệu nền lẽ ra phải thực hiện trước khi cấp phép nhận chìm nhưng đây lại được thực hiện sau khi cấp phép? TS Võ Sĩ Tuấn nói rằng, ông từ chối bình luận về việc này, vì Viện Hải dương học “là cơ quan tư vấn độc lập”.
Ông Tuấn nói: “Cái này là làm theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên & Môi trường, còn quy trình thì người ta làm rồi, báo cáo đánh giá tác động môi trường thì người ta cũng đã làm. Người ta làm công việc theo quy trình của họ, còn bây giờ chúng tôi được yêu cầu thì chúng tôi làm cái này”.
Trước đó, trao đổi cùng phóng viên Dân trí, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nêu ý kiến rằng, để việc nhận chìm bùn thải không làm ảnh hưởng đến môi trường biển, người ta phải đóng thùng, đóng hòm chì và thả xuống biển ở một độ sâu nhất định.
Nói về việc “nhận chìm” chất thải ở biển Tuy Phong (Bình Thuận), ông An cho rằng, đó thực chất là “xả thải”.
“Ở mình nó không đúng khái niệm và nhận chìm phải có chỗ của nó, chứ không phải chỗ nào nhận chìm cũng được, rồi phải có thời gian của nó, chứ không phải thời gian nào cũng làm được, còn trong này chọn tháng 6 và tháng 9 là không đúng. Và nữa là, kỹ thuật nhận chìm phải có, bởi đây là tác động cơ học làm cho đáy biển cao lên, làm thay đổi địa hình”, ông An chia sẻ.
Trước đó, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Đề nghị này đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường chấp thuận. Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30m ở vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Theo đó, vật chất được phép nhận chìm có khối lượng gần 1 triệu m3, bao gồm bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.