Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình Quốc gia để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Vì vậy, cần được triển khai thực hiện thống nhất trên cả nước, trong đó có việc mua sắm tập trung vaccine, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Y tế cần tổ chức truyền thông để thấy rõ hiệu quả của chủ trương này.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện đang thiếu một số loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng: (i) Vaccine DPT (phòng bệnh bạch hầu - Ho gà - Uốn ván); (ii) vaccine 5 trong 1 (phòng bệnh Viêm gan B, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván và phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib). Việc bảo đảm có vaccine sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ Điều 22 của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đấu thầu, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ để áp dụng mua sắm vaccine cho tiêm chủng mở rộng với hình thức cấp bách này với hình thức chỉ định thầu, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng.
Bộ trưởng Bộ Y tế, theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, khẩn trương chỉ đạo, thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục ngay tình trạng thiếu vaccine trước ngày 24/6/2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế trong ngày 10/6/2023 làm việc ngay với các đơn vị sản xuất trực thuộc Bộ Y tế để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp khoa học để đánh giá ảnh hưởng, có các phương án phù hợp với các trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng.